Hãng tin Reuters đưa tin Uỷ ban châu Âu (EC) hôm 4-7 đã bày tỏ sự quan ngại về kế hoạch của Trung Quốc (TQ) trong việc hạn chế xuất khẩu 2 loại kim loại quan trọng, vốn là những nguyên liệu chính để sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị điện tử.
Châu Âu quan ngại về kế hoạch của TQ hạn chế xuất khẩu kim loại để sản xuất chất bán dẫn. Ảnh: REUTERS |
Trước đó, vào ngày 3-7, Bộ Thương mại TQ đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu đối với 2 kim loại là gali và gecmani và một số hợp chất của chúng từ ngày 1-8 nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của TQ.
Phản hồi về quyết định trên của Bắc Kinh, một phát ngôn viên của EC cho biết: “EC quan ngại rằng những hạn chế xuất khẩu này không liên quan đến nhu cầu bảo vệ hòa bình và ổn định toàn cầu, cũng như việc thực hiện các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân của TQ phát sinh từ các hiệp ước quốc tế".
Hãng Reuters cho biết EC đang đánh giá tác động tiềm ẩn của lệnh hạn chế xuất khẩu trên đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và các ngành công nghiệp ở châu Âu. Cơ quan này cũng kêu gọi Bắc Kinh hạn chế giới hạn xuất khẩu để “làm rõ các lo ngại an ninh” phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
EC xác định cả 2 kim loại quý hiếm bị hạn chế xuất khẩu nói trên là nguyên liệu thô "chiến lược" cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh. Gali và gecmani cũng là hai trong 16 nguyên liệu thô chiến lược mà EC đặt mục tiêu tăng lượng tiêu thụ hàng năm lên 10%, nâng tỉ lệ tái chế lên 15% và chế biến lên 40% tại Liên minh châu Âu (EU) cho đến năm 2030.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hà Lan ngày 4-7 thúc giục EU có những phản ứng trước động thái mới nhất của TQ, theo hãng Reuters.
“Ở một mức độ nào đó, [lệnh hạn chế của TQ] sẽ gây ra hậu quả đối với châu Âu, và nền kinh tế Hà Lan sẽ phụ thuộc vào cách TQ thực hiện. Với thẩm quyền mà EU có trong chính sách thương mại, liên minh này phải chịu trách nhiệm chính trong việc đối thoại với TQ về các lệnh hạn chế đó” - Bộ Ngoại giao Hà Lan nêu ý kiến.
Khung cảnh trong nhà máy ASML - công ty công nghệ lớn nhất của Hà Lan. Ảnh: REUTERS |
Vào tuần trước, chính phủ Hà Lan đã công bố những hạn chế mới đối với việc xuất khẩu một số thiết bị bán dẫn. Theo đó, các công ty công nghệ tại Hà Lan phải xin giấy phép trước khi xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến ra nước ngoài. Dự kiến quy định mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 1-9.
Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan - bà Liesje Schreinemacher giải thích lệnh hạn chế trên là bước đi cần thiết vì lợi ích an ninh quốc gia. Theo bà Schreinemacher, chỉ một số lượng "rất hạn chế" các công ty và mẫu sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng do quy định mới, song không đề cập các quốc gia như TQ.
Đáp lại, Đại sứ quán TQ tại Hà Lan mô tả động thái này vi phạm các quy tắc thương mại vì đã "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu".
Ở một diễn biến khác, phát ngôn viên của EU về các vấn đề đối ngoại - bà Nabila Massrali thông báo TQ đã huỷ chuyến công du của Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh - ông Josep Borrell dự kiến diễn ra vào tuần tới, theo hãng Reuters.
Theo bà Massrali, Bắc Kinh không đưa ra lý do về việc huỷ chuyến thăm của ông Borrell. Hiện TQ chưa lên tiếng về thông tin này.
Đại diện EU tại TQ cuối tuần trước thông ông Borrell dự kiến đến Bắc Kinh vào ngày 10-7 nhằm thảo luận với các quan chức TQ về "các vấn đề chiến lược", bao gồm cuộc xung đột Nga-Ukraine.