Tối 19-4 (theo giờ Việt Nam), bộ trưởng y tế các nước G20 (19 nước có nền kinh tế lớn và Liên minh châu Âu - EU) đã có cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19, hãng CNA đưa tin.
Trong cuộc họp này, quan chức các nước đã mổ xẻ nhiều góc nhìn về dịch bệnh và những biện pháp mà các nước đang áp dụng. Các bộ trưởng cũng chia sẻ kinh nghiệm chống dịch tại quốc gia mình, đề xuất những hành động cần thiết để khống chế dịch bệnh càng sớm càng tốt.
Bộ trưởng Y tế 20 nền kinh tế lớn đã chỉ ra những điểm yếu trong hệ thống y tế các nước. Các bộ trưởng đã vạch ra những lỗ hổng trong khả năng ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa từ đại dịch đang khiến cả thế giới phải chịu những tác động nặng nề trên mọi khía cạnh.
Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia - ông Tawfiq Al Rabiah, phát biểu trong cuộc họp. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia - ông Tawfiq Al Rabiah, cho biết: “Tình hình hiện tại cần các nước có các hành động khẩn cấp. Các tổ chức toàn cầu phải hợp tác, phối hợp ứng phó với đại dịch. Cùng với đó là sự đầu tư nghiên cứu, chế tạo thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh”.
Saudi Arabia là quốc gia giữ quyền chủ tịch hiện tại của G20.
Ông Rabiah cũng đề cập đến việc thành lập một đội đặc nhiệm toàn cầu để ứng phó với đại dịch, một trung tâm chia sẻ kiến thức nâng cao giá trị sức khỏe và nhóm điều hành các nền tảng chung để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho người nhiễm bệnh.
Đại diện của năm châu lục gồm: Châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương đều thể hiện quyết tâm phải phối hợp trong hành động. Trong đó nhấn mạnh việc phải đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo vaccine, chia sẻ các biện pháp thực hành hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Bộ trưởng Y tế và đại diện cho các nước Mỹ, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Úc, Nhật, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia... đều có bài phát biểu.
Bộ trưởng Y tế Pháp chia sẻ sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này. Liên Hiệp Quốc cũng sẽ luôn hỗ trợ các nước trong phòng, chống dịch. Trong khi đó, EU cam kết sẽ tài trợ cho các nghiên cứu vaccine và nghiên cứu về virus để làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.
Tổng thống Brazil trong một cuộc họp trực tuyến cùng nhóm G20 hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS
Tại cuộc họp lần này, Liên minh Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI) cho biết hiện đang có rất nhiều nước muốn tham gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Toàn thế giới sẽ cần tới hàng tỉ liều vaccine. Thách thức cần đặt ra là đảm bảo đủ vaccine cho người dùng, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận vaccine giữa các quốc gia.
Một nhiệm vụ quan trọng không kém là phải bảo vệ nhân viên y tế, những con người đang ở tuyến đầu chống dịch. Nước Anh đã thông qua GAVI để tài trợ cho việc nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh.
Dịp này, nhiều tổ chức quốc tế như GAVI, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), EU, một số quốc gia như Singapore, Saudi Arabia, Nhật cũng thông qua các tổ chức quốc tế và cơ chế hợp tác đa phương để đưa ra những chương trình tài trợ hàng triệu USD cho cuộc chiến chống COVID-19.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhóm G20 đã có nhiều cuộc họp trực tuyến để bàn bạc cách ứng phó. Trong cuộc họp hồi tháng 3, lãnh đạo các nước G20 đã thống nhất sẽ bơm 5.000 tỉ USD để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nền kinh tế toàn cầu và chặn dịch bằng mọi giá, đài Aljazeera đưa tin.