Theo đó, báo cáo nghiên cứu khả thi sau hai năm nghiên cứu được Bộ GTVT trình Thủ tướng đề nghị dự án sẽ làm theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài ra, Bộ cũng tiếp cận, đồng thời thu xếp nguồn vốn vay ODA cho phần vốn nhà nước tham gia trong dự án này.
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có điểm đầu tại điểm giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TP.HCM), điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) với chiều dài 53,5 km, bốn làn xe. Hiện nay muốn đi từ TP.HCM lên tỉnh Tây Ninh thì con đường “độc đạo” là quốc lộ 22, có khối lượng lưu thông lớn, đạt gần 40.000 xe/ngày đêm. Do vậy, theo Bộ GTVT, rất cần thiết để hình thành nên cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong tương lai.
Tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tăng cường kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông-Tây, hệ thống đường Xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Dự kiến đến năm 2025, cao tốc này sẽ được hoàn thiện với quy mô tối thiểu bốn làn xe và sau năm 2045 tiếp tục mở rộng tuyến lên sáu làn xe. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 10.694 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư là gần 5.670 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia trong dự án là 5.025 tỉ đồng (trong đó, vay ODA 4.853 tỉ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 172 tỉ đồng).