Chỉ một ngày sau khi Mỹ thông báo đã không kích tiêu diệt tướng Iran, giá vàng và dầu đã đồng loạt tăng dựng đứng.
Cụ thể, đến sáng nay, giá vàng thế giới đã tăng vọt lên 1.552,2 USD/ounce. Theo các chuyên gia, giá vàng lần này tăng mạnh và đã đạt đỉnh cao nhất vì cuộc không kích của Mỹ nhắm vào một vị tướng hàng đầu của Iran.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng vụ không kích chỉ là mồi lửa giúp giá vàng tăng nhanh hơn, vì bức tranh đầu tư vàng được dự đoán tiếp tục tăng giá, nguyên nhân chính là các ngân hàng trung ương trên thế giới liên tục cắt giảm lãi suất. Giá vàng thường đi ngược với lãi suất. Lãi suất càng giảm giá, vàng càng tăng.
Các con số thống kê của trang cbrates.com cho thấy các ngân hàng trung ương đã 131 lần cắt giảm lãi suất. Theo IMF, năm 2019, việc cắt giảm lãi suất lên đến con số 3%, thấp hơn cả so với thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008-2009.
Do đó, cả quỹ đầu tư UBS của Thụy Sĩ và Ngân hàng Goldman Sachs cùng đưa ra dự đoán giá vàng thế giới sẽ lên mức 1.600 USD/ounce trong năm 2020. Tại thị trường Việt Nam sáng nay (4-1-2020), giá vàng tiếp tục tăng thêm 150.000-250.000 đồng mỗi lượng, vượt mốc 43 triệu đồng/lượng.
Tương tự vàng, giá dầu bật tăng mạnh. Các loại giá dầu đều vượt trên 60 USD/thùng. Trong đó, giá dầu Brent tăng mạnh nhất lên con số 68,60 USD.
Nhưng các chuyên gia cho rằng giá dầu khó có thể viện cớ từ việc Mỹ tiêu diệt tướng cao cấp Iran để đẩy giá tăng tiếp tục. Theo ông Michael Widmer, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng America, Mỹ không còn phụ thuộc vào nguồn dầu từ khu vực Trung Đông, họ đủ nguồn sản xuất và dự trữ để tự chủ.
"Không còn quy luật về địa chính trị để giá dầu tăng, cứ nhìn về vụ tấn công của máy bay không người lái vào nhà máy sản xuất dầu lớn nhất thế giới của Ả Rập Saudi là một điển hình" - ông Michael Widmer nói.
Theo ông Michael Widmer, cuộc tiêu diệt tướng Iran của Mỹ là một cú hích lớn cho giá dầu nhưng nguồn cung dư thừa khiến mức giá này không có sự ổn định. Các nước sở hữu nguồn cung dầu lớn nhất là Nga và Mỹ vẫn tiếp tục hút dầu lên bán. Khối OPEC dù có kiểm soát nguồn cung nhưng tổ chức này không còn ảnh hưởng lớn, mà chỉ đem lại cơ hội cho nước khác bán thêm dầu.