Gượng đứng lên từ bên bờ vực thẳm nhờ cổ phần hóa

Tại hội nghị tổng kết năm năm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ GTVT diễn ra ngày 9-12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết tính đến 31-12-2015, riêng tổng doanh thu của 10 DNNN thuộc Bộ sau cổ phần hóa lên tới 22.227 tỉ đồng, tăng 132% so với trước khi cổ phần hóa.

Lợi nhuận trước thuế sau cổ phần hóa 630 tỉ đồng, tăng 940%. Thu nhập bình quân người lao động sau cổ phần hóa hơn 9 triệu đồng, trong khi trước cổ phần hóa gần 6 triệu đồng.

“Tươi da thắm thịt”

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco), kể trước đây đơn vị gần như phá sản, bên bờ vực thẳm với khoản nợ chồng chất, đơn kiện chất đầy văn phòng. Nhiều lần còn bị đe dọa đòi nợ, đi đâu làm người ta cũng sợ.

 “Nhưng nhờ tái cơ cấu vào tháng 6-2014, nhà đầu tư chiến lược đã mua hơn 200 tỉ đồng vốn điều lệ và thực hiện một cuộc “cách mạng” mạnh mẽ. Đến cuối năm 2014, doanh thu của công ty đã tăng 58%, nộp thuế tăng 4,5%, thu nhập bình quân của lao động tăng 8%” - ông Tuấn nói.

Không riêng Vinawaco mà nhiều DN khác cũng từng bước thoát ra khỏi sự khó khăn nhờ hoạt động theo mô hình mới. Chẳng hạn như Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8, Tổng Công ty Vận tải thủy, Tổng Công ty Thăng Long...

Các DN thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đều âm vốn chủ sở hữu nên không cổ phần hóa được. Ảnh: CTV

Nhiều doanh nghiệp âm vốn

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thừa nhận: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất tập trung vào việc xử lý tài chính để đủ điều kiện cổ phần hóa các DN”.

Cụ thể, các DN thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đều âm vốn chủ sở hữu nên không cổ phần hóa được. Tiếp đến, việc bổ sung vốn điều lệ cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng Giao thông Cửu Long để thực hiện đúng mục tiêu khi thành lập DN là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc.

“Ngoài ra, việc thực hiện đồng thời việc tái cơ cấu nợ với việc cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn” - ông Trường nêu thực trạng.

Hạn chế bảo lãnh DNNN

Để thực hiện thành công cổ phần hóa các công ty đã được phê duyệt, ông Nguyễn Hồng Trường kiến nghị nghiên cứu thành lập cơ quan tư vấn độc lập, thực sự có năng lực, kinh nghiệm để hỗ trợ, tham gia trực tiếp tái cơ cấu DN. Đồng thời, xây dựng danh mục, kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Chính phủ cần xem xét hạn chế đến mức thấp nhất việc Chính phủ bảo lãnh cho các DNNN, công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con (khi thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển giao DN sẽ rất khó xử lý nghĩa vụ bảo lãnh)” - ông Trường nhấn mạnh.

Song song đó, Chính phủ cần nghiên cứu chuyển hướng từ bảo lãnh đối tượng (DNNN) sang bảo lãnh mục tiêu (không phân biệt sở hữu DN mà phụ thuộc vào lĩnh vực cần hỗ trợ và hiệu quả hoạt động của DN) để đảm bảo cân đối, điều tiết vĩ mô và khuyến khích phát triển các lĩnh vực, ngành nghề cần thúc đẩy phát triển.

Trước những kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết việc Bộ GTVT xin cổ phần hóa gần như đồng loạt các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải cân nhắc. “Hiện Bộ GTVT đã thí điểm hai đơn vị rồi thì phải đánh giá lại xem kết quả ra sao. Vì các đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân nên phải hết sức thận trọng” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định Bộ GTVT là đơn vị đi đầu và quyết liệt trong tái cơ cấu, đến nay đã đạt được những kết quả tốt. Nhưng sau khi cổ phần hóa không được “bỏ rơi” DN mà phải duy trì, củng cố và chỉ đạo quyết liệt để các DN tiếp tục phát triển hơn nữa.

Lần đầu tiên cổ phần đơn vị công lập

Giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT triển khai cổ phần hóa 137 DN, tăng 67 DN so với kế hoạch phê duyệt. Đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng) 124 DN.

Lần đầu tiên Bộ GTVT thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập tại BV GTVT Trung ương và BV Nam Thăng Long. Đồng thời đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thí điểm cổ phần hóa 10 đơn vị sự nghiệp trong năm 2015.

Đến nay Bộ GTVT thoái vốn tại 113 DN với tổng số tiền thu về trên 4.399,3 tỉ đồng. Dự kiến quý I-2016, Bộ sẽ hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các tổng công ty.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm