Hậu Giang xác định vùng có nguy cơ hạn, mặn để chủ động phòng, chống

(PLO)- Theo UBND tỉnh Hậu Giang, mặn có thể xâm nhập vào địa bàn tỉnh theo ba hướng, do đó phải chuẩn bị thật tốt kế hoạch phòng, chống và biện pháp khắc phục nhằm hạn chế thiệt hại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2023.

Cạnh đó, kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp ngay tất cả các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, đảm bảo cho người dân vùng hạn, mặn đủ nước sinh hoạt.

Dự báo có khoảng 90.000-100.00 ha vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản có nguy cơ hạn. Ảnh minh họa: BT

Dự báo có khoảng 90.000-100.00 ha vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản có nguy cơ hạn. Ảnh minh họa: BT

UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chỉ đạo rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, dầu... Đồng thời, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 và Hè Thu 2023.

“Chuẩn bị xây dựng đập thời vụ, cải tiến đập kiên cố đối với các kênh, rạch chưa có cống khi độ mặn ngoài sông, kênh chính đạt mức 1,5‰. Ngăn tất cả các dòng kênh vào đồng ở các khu vực bị nhiễm mặn, không cho nước mặn lên đồng” - Kế hoạch của UBND tỉnh Hậu Giang nêu.

UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu cơ quan chức năng có kế hoạch vận hành đóng, mở các cửa cống từ cống 3 Voi đến cống 8.000 (thuộc tiểu dự án Ô Môn - Xà No) và đê bao Long Mỹ - Vị Thanh (tại xã xã Hỏa Tiến, Hỏa Lựu và phường 7 thuộc TP Vị Thanh). Cụ thể, khi mặn ngoài kênh đạt mức 1,5‰ phải đóng các cửa cống theo diễn biến của mặn.

Tỉnh Hậu Giang cũng đề ra các giải pháp công trình, như: đắp đập thời vụ và nâng cấp sửa chữa cống ngăn mặn; nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn, với tổng kinh phí gần 40,5 tỉ đồng.

Theo dự báo, năm 2023 tình hình mặn có diễn biến hết sức phức tạp so với năm 2022. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, mặn có thể xâm nhập vào địa bàn tỉnh theo ba hướng. Đó là hướng từ biển Đông theo sông Hậu vượt qua kênh Cái Côn, Mái Dầm và từ xã Đại Hải (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) qua các trục kênh cấp 2 uy hiếp huyện Châu Thành, TP Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp.

Hướng thứ hai là từ các trục kênh chính qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu ảnh hưởng đến thị xã Long Mỹ và một phần huyện Phụng Hiệp. Hướng thứ ba là từ biển Tây theo sông Cái lớn và sông Nước Trong ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy và TP Vị Thanh.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có khoảng 90.000-100.00 ha vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở thị xã Long Mỹ, TP Ngã Bảy và các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và Vị Thủy có nguy cơ hạn.

Cạnh đó, có khoảng 50.000-60.000 ha vụ Đông Xuân 2022-2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh có nguy cơ xâm nhập mặn. Ngoài ra, hai địa phương này còn có thể sẽ thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm