Thị trường tài chính Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nên một bộ phận người dân chưa hoặc ít có trải nghiệm về dịch vụ tài chính. Vì thế, không ít người chưa nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi đi vay. Bởi vậy để vừa tự bảo vệ mình vừa trở thành người đi vay thông minh, theo các chuyên gia người dân cần tự trang bị kiến thức tài chính.
Thiếu kiến thức tài chính
Cho vay tiêu dùng là một lĩnh vực chỉ mới nở rộ trong vài năm gần đây. Nhiều người thậm chí còn lầm tưởng các công ty tài chính (CTTC) hoạt động như một ngân hàng. Trên thực tế, cách thức vận hành cũng như quản lý của hai loại hình tài chính này rất khác biệt. Do vậy, các CTTC hoạt động trong lĩnh vực này hiện đã và đang gặp không ít khó khăn trong quá trình tiếp cận “một cách suôn sẻ” với người tiêu dùng.
Hội thảo Tài chính gia đình tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Mai Hoa
Theo cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.000 người tiêu dùng do một CTTC tiêu dùng tiến hành vào tháng 7-2013 cho thấy: chỉ 51% người tự nhận xét có hiểu biết về kiến thức tài chính; 42,5% cho rằng chỉ hiểu sơ sơ, đại khái; còn lại 6,5% cho rằng hoàn toàn không hiểu về hình thức mua sắm này.
Chẳng hạn các tổ chức cho vay đều là doanh nghiệp kinh doanh, đồng vốn của họ phải xoay liên tục và mang lại hiệu quả. Nếu người vay trả nợ trước hạn, số vốn đó không được lên kế hoạch để sử dụng, thì chính tổ chức cho vay phải gánh lãi suất của phần vốn này vì họ cũng phải đi vay lại từ những nơi khác. Thế nên dù là CTTC hay ngân hàng nếu người vay trả nợ trước hạn sẽ phải đóng phí phạt. Thế nhưng hầu hết người đi vay đều bất ngờ và bất bình khi phải trả loại phí này. Thêm vào đó, điều khoản này chắc chắn có trong hợp đồng tín dụng nhưng người đi vay ít khi chịu đọc kỹ hợp đồng trước khi ký.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế người dân Việt Nam đôi khi có nhận thức rất khác biệt, đó là khi vay ở tổ chức chính thức thì luôn xem rằng mình là đối tượng được ưu đãi với lãi suất thấp, trong khi mình đi vay hoặc cho vay (chơi hụi…) ở bên ngoài thì luôn chấp nhận lãi suất cao và nhiều rủi ro khác. Hầu hết người dân chưa có cái nhìn đúng về quyền và trách nhiệm của người đi vay, ông nói.
Nhà cho vay có trách nhiệm
Với một thị trường cho vay tiêu dùng còn mới mẻ như Việt Nam, theo các chuyên gia thì việc các CTTC thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc tư vấn kiến thức tài chính cho người dân là điều vô cùng cần thiết. Một trong những yếu tố thành công của Công ty Tài chính Home Credit là luôn luôn dựa vào tiêu chí trở thành nhà cho vay có trách nhiệm. Ngoài việc minh bạch hóa các hoạt động của mình, Home Credit còn tổ chức chuỗi sự kiện, hoạt động cung cấp kiến thức tài chính tiêu dùng cho người dân, đặc biệt là những người ít có cơ hội tiếp xúc với các phương tiện truyền thông thông tin hiện đại.
Ông Friedrich Weiss -Quyền TGĐ Home Credit Việt Nam, cho rằng nâng cao kiến thức tài chính cần sự phối hợp từ phía khách hàng, doanh nghiệp và các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, doanh nghiệp cần thực hiện tất cả giao dịch với khách hàng một cách công bằng và trách nhiệm. Nghĩa là, công ty cần giúp khách hàng hiểu thấu đáo về dịch vụ trước khi ký kết hợp đồng. “Trên cơ sở đó, chúng tôi đã thực hiện nhiều chương trình nhằm truyền tải kiến thức về vay tiêu dùng cho người dân.”- ông Friedrich Weiss nói.
Mới đây nhất, ngày 23-5 Home Credit đã kết hợp với báo Phụ Nữ Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo tư vấn tài chính gia đình với mục đích nâng cao kiến thức tài chính, tư vấn bảo vệ hạnh phúc gia đình thông qua quản lý tài chính gia đình hiệu quả cho gần 140 chị em nông dân và tiểu thương tại huyện Tân Hồng. Trước đó, một hội thảo tương tự đã thu hút hơn 150 người tham dự tại Thái Bình vào ngày 9-5. Đây là năm thứ 2 Home Credit kết hợp với báo Phụ Nữ Việt Nam tổ chức chương trình này.