Theo cáo trạng, Đầy và NTTP quen nhau qua mạng xã hội Zalo từ giữa tháng 3-2014. Trong thời gian này, hai người thường nhắn tin qua lại với nhau. Ngày 2-4-2014, Đầy rủ P. đi chơi và P. đồng ý. Tối cùng ngày, Đầy chở P. ra công viên “tâm sự” rồi đi uống cà phê và hứa chở P về phòng trọ của bạn P. Tuy nhiên Đầy không chở P. về nhà bạn mà lại chở P. về phòng trọ của mình rồi chốt cửa, giăng mùng và kêu P. đi ngủ.
Tại đây, Đầy nảy sinh ý định “quan hệ” với P. nhưng bị phản ứng quyết liệt nên Đầy dừng lại. P. cầm quần áo chạy vào nhà vệ sinh thì Đầy hứa không làm hại P. nữa và kêu P. ra nệm ngủ. P. đồng ý và ra nằm lại trên nệm.
15 phút sau, Đầy lại đòi “quan hệ”, P vẫn chống cự, nói Đầy là đồ biến thái và lại ôm quần áo vào nhà vệ sinh. Lúc này, Đầy tiếp tục hứa không quan hệ nữa và cả hai đi ngủ. Sáng hôm sau, Đầy chở P. mua thuốc tránh thai khẩn cấp rồi đưa nạn nhân về nhà. Sau đó một ngày, P. đến công an trình báo và Đầy bị bắt khẩn cấp.
Với hành vi trên, Đầy bị VKSND quận Ninh Kiều truy tố theo khoản 2 Điều 111 BLHS (mức hình phạt từ 7 đến 15 năm) với tình tiết định khung là phạm tội nhiều lần. Tại tòa, đại diện VKS cho rằng nguyên nhân phạm tội của bị cáo là do bị hại quá phóng khoáng nên thúc đẩy bị cáo lầm tưởng đồng ý quan hệ. VKS đề nghị phạt bị cáo từ 4 đến 5 năm tù (dưới khung hình phạt).
Theo tòa, bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn, đã khắc phục xong tổn thất theo yêu cầu của bị hại (110 triệu đồng) và bị hại có đơn bãi nại. Gia đình bị cáo có người có công với cách mạng. Tòa nhận định, khi thực hiện hành vi lần đầu bị hại chống cự. Bị hại biết bị xâm hại đáng lẽ phải bỏ về thì vẫn đồng ý ngủ lại phòng của bị cáo. Hành vi của bị hại và bị cáo mang tính đan xen, chính hành vi không hành động (bỏ về) của bị hại đã thúc đẩy hành vi phạm tội của bị cáo. Từ đó, tòa xét thấy áp dụng khoản 1 Điều 111 BLHS (có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù) đối với bị cáo là phù hợp.