Trường Trung học số 1 Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô thuộc miền đông Trung Quốc vừa lập một “ngân hàng điểm”, cho phép học sinh làm bài thi bị điểm thấp vay điểm từ ngân hàng này để đủ điểm vượt qua kỳ thi.
Tuy nhiên, học sinh này sẽ phải trả số điểm đã vay này trong các bài thi trong tương lai, cộng với một tỉ lệ điểm “lãi” quy định, Yangtse Evening News đưa tin.
Những học sinh đã vay điểm cũng có thể trả số điểm vay bằng cách làm thêm tại các phòng thí nghiệm hoặc phục vụ cho các hoạt động của trường.
Hiện “ngân hàng điểm” này đang trong giai đoạn thử nghiệm và chỉ mới áp dụng với một bộ phận học sinh.
Học sinh một trường trung học ở huyện Y Xuyên (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) trong một kỳ thu. Ảnh: REUTERS
Mới đây, một số học sinh đã vay 1-2 điểm từ “ngân hàng điểm” để bài thi vật lý của mình đủ 60 điểm, vượt qua kỳ thi. Cá biệt có học sinh phải vay tới 7 điểm.
“Việc thi được 59 điểm - đồng nghĩa rớt, hay 60 điểm - đồng nghĩa đậu - không khác nhau nhiều, tuy nhiên kết quả đậu-rớt ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý học sinh” - theo giáo viên vật lý Mei Hong của trường.
“Mục đích của các kỳ thi là để đánh giá và cải thiện các học sinh, không phải gây khó khăn, trừng phạt, hay hủy hoại lòng nhiệt tình của học sinh” - Yangtse Evening News dẫn lời hiệu trưởng Huang Kan của ngôi trường này.
Tính đến giờ có khoảng 1/4 trong số các học sinh được tham gia trong chương trình thử nghiệm đã vay điểm từ “ngân hàng điểm”.
“Ngân hàng điểm” cũng hoạt động như một ngân hàng thực sự. Ngoài việc phải chịu điểm “lãi”, các học sinh có thể trả góp số điểm đã vay trong suốt quá trình học. Nếu đến cuối học kỳ mà học sinh chưa trả hết số điểm vay thì sẽ bị “đánh dấu đỏ” vào hồ sơ học tập của mình.
Hiệu trưởng Huang Kan cũng cho biết ông cảm thấy rất đáng tiếc với văn hóa “một kỳ thi quyết định cả cuộc đời” của Trung Quốc.
Áp lực thi cử và điểm số ở hệ thống giáo dục Trung Quốc thuộc hàng cao nhất châu Á. Nhiều hình thức quay cóp, gian lận thi cử ra đời cũng vì áp lực này.