Sinh viên nhiều trường đại học ở Mỹ phản đối vì giữ nguyên học phí dù sinh viên phải nghỉ học hoặc học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tờ South China Morning Post đưa tin.
Nhiều nhóm sinh viên đã soạn thảo và ký tên ủng hộ các thỉnh nguyện thư yêu cầu các trường đại học giảm và bồi hoàn học phí cho sinh viên. Một số nhóm khác còn đệ đơn kiện các trường đại học vì chất lượng giảng dạy "giảm" do các khóa học trực tuyến không hiệu quả.
Ký thỉnh nguyện thư mong muốn bồi hoàn học phí
South China Morning Post cho biết dù phải học qua các ứng dụng trực tuyến, sinh viên ở Mỹ vẫn phải trả học phí lên tới 70.000 USD (gần 1,16 tỉ đồng). Nhiều sinh viên phải vay tiền để đóng học phí.
Một sinh viên ĐH Washington Waldorf (bang Maryland) học trực tuyến vì trường học đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Nhiều sinh viên cho rằng các trường nên giảm học phí vì những khoản tiền họ đóng cho nhà trường bao gồm cả các chi phí dịch vụ trong khuôn viên trường học mà sinh viên không còn có thể tiếp cận do nhà trường đóng cửa.
Anh Dhrumil Shah, học viên cao học ngành y tế công ở ĐH George Washington (thủ đô Washington, D.C.), phàn nàn: "Chúng tôi đang trả tiền cho các dịch vụ khác do nhà trường cung cấp nhưng không thể được số hóa".
Anh cũng cho rằng chất lượng dịch vụ đã giảm khi chuyển từ các hoạt động trực tiếp sang các hoạt động trực tuyến.
Cùng quan điểm, chị Molly Riddick, sinh viên ĐH New York, cho biết dù cho nhà trường luôn cam kết về chất lượng đào tạo thì việc đảm bảo "đầy đủ" chất lượng giảng dạy qua một ứng dụng trực tuyến "đơn giản là không thể".
Cả anh Shah và chị Riddick đều đã ký các thỉnh nguyện thư với mong muốn trường đại học sẽ bồi hoàn một phần học phí cho mình.
Đệ đơn kiện vì không đảm bảo chất lượng giảng dạy
Nhiều sinh viên khác còn kiện ngôi trường mình đang theo học ra tòa. Ít nhất 50 đại học ở Mỹ đã bị các nhóm sinh viên kiện vì chất lượng đào tạo "giảm sút" khi tổ chức các lớp học trực tuyến.
Thông thường, các trường đại học Mỹ đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo thang điểm A, B, C... Do đó, một số nhóm sinh viên còn viết trong đơn kiện rằng việc chỉ đánh giá qua môn/trượt môn thay vì thang điểm truyền thống cũng làm giảm chất lượng giảng dạy.
Về phía các trường đại học, đề xuất chỉ đánh giá qua môn/trượt môn được mô tả là để giúp sinh viên tập trung hơn vào mục tiêu trang bị kiến thức của khóa học, giảm áp lực điểm số trong mùa dịch COVID-19, theo tạp chí US News.
Khuôn viên ĐH Georgetown vắng vẻ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Phản ứng trước các phàn nàn và chỉ trích của sinh viên, nhiều trường đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ trực tuyến của mình.
Bà Pamella Oliver, Phó Hiệu trưởng phụ trách vấn đề học thuật của ĐH bang California, cho biết vào mùa thu năm nay, nhà trường sẽ số hóa tất cả dịch vụ của mình.
Nguy cơ cho mùa tuyển sinh sắp tới
Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ - ông Ted Mitchell đã viết thư cho Quốc hội Mỹ và cảnh báo rằng: "Nhiều gia đình và sinh viên đang kiếm được ít thu nhập hơn và sẽ có ít tiền để chi tiêu cho dịch vụ giáo dục sau trung học", theo South China Morning Post.
Ông dự đoán chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học tới sẽ giảm 15%. Có nghĩa là ngành giáo dục Mỹ mất đi nguồn thu khoảng 23 tỉ USD (hơn 538,2 ngàn tỉ đồng) do có ít sinh viên hơn.
Các trường lớn như ĐH Harvard, ĐH Yale hay ĐH Stanford có thể gặp khó khăn nhưng vẫn trụ vững. Trong khi các trường nhỏ hơn có thể đối mặt với nguy cơ phá sản nếu không tuyển sinh thành công.
Đại dịch COVID-19 là lần đầu tiên cả 50 bang và thủ đô Washington, D.C. của Mỹ cùng ban bố tình trạng khẩn cấp. Các trường học bị đóng cửa nhiều tháng liền và vẫn chưa rõ bao giờ sẽ mở cửa trở lại.
Chính phủ liên bang và chính quyền các bang đang nỗ lực chuẩn bị mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế khi dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.
Theo chuyên trang thống kê Worldometer, Mỹ đã tiến hành hơn 9.444.500 lượt xét nghiệm COVID-19 và phát hiện gần 1.367.650 ca nhiễm. Có 80.787 trường hợp đã tử vong.