Ngày 30-6, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế Cao Anh Tuấn cho biết, ngày 19-10-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123 quy định về hóa đơn, chứng từ. Điểm mới quan trọng nhất của Nghị định này là quy định về việc kể từ ngày 1-7-2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Đây là Nghị định có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Trong quá trình sử dụng HĐĐT, việc xảy ra sai sót là điều không thể tránh khỏi. Để giải quyết điều này, Nghị định 123 đã hướng dẫn xử lý đối từng trường hợp cụ thể.
Thứ nhất, trường hợp chưa gửi hóa đơn cho người mua: Trường hợp người bán phát hiện HĐĐT đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123 về việc hủy HĐĐT có mã đã lập có sai sót và lập HĐĐT mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy HĐĐT đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.
Thứ hai, trường hợp đã gửi hóa đơn cho người mua: Nếu HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:
- Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về HĐĐT có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT, trừ trường hợp HĐĐT không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.
- Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì người bán lập HĐĐT điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập HĐĐT điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. HĐĐT điều chỉnh HĐĐT đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
Ngoài ra, người bán cũng có thể lựa chọn lập HĐĐT mới thay thế cho HĐĐT có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập HĐĐT thay thế hóa đơn đã lập có sai sót. HĐĐT mới thay thế HĐĐT đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
Người bán ký số trên HĐĐT mới điều chỉnh hoặc thay thế cho HĐĐT đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho HĐĐT mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế).
Cuối cùng, trường hợp cơ quan thuế phát hiện ra sai sót: HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế đã lập có sai sót thì cơ quan thuế thông báo cho người bán theo Mẫu số 01/TB-RSĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định 126 để người bán kiểm tra sai sót.
Lưu ý, khi hóa đơn đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế nêu trên nhưng sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.