Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Tổ chức phi chính phủ Nhân quyền Iran (IHR) cho biết đã có ít nhất 76 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát Iran và những người biểu tình phản đối cái chết của một cô gái bị cảnh sát đạo đức Iran bắt giữ.
Các cuộc biểu tình ở Iran đã kéo dài sang ngày thứ 11 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo số liệu từ chính quyền Iran, số người chết trong các cuộc biểu tình tính đến ngày 24-9 là 41 người, thấp hơn đáng kể so với con số 76 người chết do Tổ chức phi chính phủ Nhân quyền Iran (IHR), có trụ sở tại thủ đô Oslo (Na Uy), đưa ra.
Người biểu tình đốt xe cảnh sát trong cuộc biểu tình ở thủ đô Tehran ngày 19-9. Ảnh: AFP |
Các quan chức Iran ngày 26-9 nói rằng họ đã bắt giữ hơn 1.200 người biểu tình bao gồm các nhà hoạt động, luật sư và nhà báo và dân thường.
Hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran đưa tin tại tỉnh Semnan, phía đông Tehran, cảnh sát đã bắt giữ 155 người biểu tình, trong đó có 26 phụ nữ.
Hãng thông tấn Tasnim của Iran cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt giữ 12 người tại tỉnh Gilan.
Nỗ lực trấn áp các cuộc biểu tình của chính phủ Iran vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phương Tây.
Ngày 26-9, Pháp đã “lên án mạnh mẽ” đối với việc trấn áp người biểu tình của lực lượng an ninh Iran.
Ngày 26-9, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết nước ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm về cái chết của cô Amini, bao gồm cảnh sát đạo đức Iran và ban lãnh đạo của họ.
Cũng trong ngày 26-9, Đức đã triệu tập đại sứ Iran tại Berlin để thúc giục Tehran cho phép các cuộc biểu tình hòa bình.
Trong khi đó, Iran đổ lỗi cho “những phần tử côn đồ” có liên hệ với nước ngoài đã gây ra tình trạng bất ổn. Tehran cáo buộc Mỹ và một số nước châu Âu lợi dụng tình hình bất ổn để làm suy yếu nước Cộng hòa Hồi giáo.