Không bỏ cuộc, ông Trump ‘quyết tử’ với đảng Dân chủ

Sau khi chính quyền bang Texas tuần qua đệ trình đơn kiện yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ hủy kết quả bỏ phiếu của bốn bang chiến địa (Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin), phản hồi chính thức của tòa là từ chối đơn kiện với lý do Texas chưa chứng minh được là có “lợi ích về mặt pháp lý có thể nhận thức được” trong quy trình tổ chức bầu cử của các bang nói trên. Nhiều người kỳ vọng sức nặng từ quyết định đến từ cấp tòa án cao nhất này sẽ là dấu chấm hết cho nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của đương kim Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên có vẻ nhà lãnh đạo này cùng những người ủng hộ sẽ tiếp tục đấu tranh tới cùng. 
Phe ông Trump phản ứng như thế nào?
Ngày 12-12, ông Trump đã cho đăng tải loạt trạng thái trên trang Twitter cá nhân chính thức chỉ trích động thái của Tòa án Tối cao đã làm người dân thất vọng và là một “nỗi hổ thẹn về mặt pháp lý đối với quốc gia”. 
“Tôi thật sự đã chiến thắng cuộc bầu cử lần này một cách áp đảo bằng những lá phiếu hợp pháp chứ không phải thông qua những lá phiếu giả mạo và không hợp lệ tự động xuất hiện sau ngày bỏ phiếu 3-11. Thật đáng xấu hổ!” - ông Trump tuyên bố. Cũng như mọi lần, hệ thống kiểm duyệt của Twitter tự động gắn nhãn các dòng trạng thái của ông Trump là thông tin gây tranh cãi, cần xác thực.
Trong khi đó, hàng chục ngàn người ủng hộ chủ nhân Nhà Trắng cùng ngày đã đổ ra khắp các đại lộ chính ở thủ đô Washington, D.C. biểu tình ủng hộ nỗ lực đảo ngược kết quả của đương kim tổng thống Mỹ, theo đài Fox News. Đáng chú ý là cuộc biểu tình diễn ra đúng lúc chuyên cơ riêng chở ông Trump đến dự một sự kiện ở Học viện Quân sự West Point bay ngang qua khiến đám đông bên dưới hò reo phấn khích. Chuyên cơ sau đó đã lượn lờ ở đây thêm ba lần nữa mới rời đi. Ông Trump vài phút sau chia sẻ trên Twitter rằng rất ngạc nhiên khi thấy hàng ngàn người xuất hiện giúp sức cho ông như vậy, đồng thời khẳng định sẽ tổ chức gặp trực tiếp đoàn người biểu tình. 
Về phía luật sư riêng của ông Trump - ông Rudy Giuliani, trong cuộc phỏng vấn với Fox News mới đây, ông Giuliani khẳng định cuộc đấu tranh pháp lý của ông Trump vẫn chưa thể kết thúc và người dân có quyền “được biết những gì đang xảy ra”. Ông còn chỉ ra là đơn kiện của bang Texas bị Tòa án Tối cao từ chối trên cơ sở là bang này không có quyền kiện bang khác chứ không phải là không có căn cứ rõ ràng. Do đó, có thể phe ông Trump sẽ tiếp tục nộp đơn lên tòa cấp thấp hơn đủ thẩm quyền thụ lý. Theo ông Giuliani, quyết định của Tòa án Tối cao đã có phần quá vội vàng và có ý né tránh, bởi nếu thực tâm theo đuổi công lý thì tòa đã nhận thụ lý đơn của Texas rồi. 
Mục tiêu sắp tới của ông Trump 
Tờ The Wall Street Journal ngày 12-12 dẫn nguồn tin nội bộ Nhà Trắng khẳng định ông Trump đang chuẩn bị chỉ định một công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra vấn đề gian lận bầu cử, cũng như các cáo buộc tham nhũng liên quan đến con trai Tổng thống tân cử Joe Biden - ông Hunter Biden. 
Cụ thể, ông Trump gần đây được cho là đã yêu cầu các cố vấn dưới quyền cùng những đồng minh Cộng hòa ở Quốc hội đi tìm cho ông người phù hợp cho vị trí trên. Nhà lãnh đạo này còn nhấn mạnh là phải tìm thật gấp rút để khởi động tiến trình điều tra càng sớm càng tốt.
Về vấn đề điều tra thêm cáo buộc ông Hunter Biden tham nhũng, The Wall Street Journal cho rằng sở dĩ ông Trump muốn “một công đôi việc” là bởi tổng thống lo ngại khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức vào năm sau sẽ tìm cách ngăn chặn mọi cuộc điều tra, xét xử nhắm vào bản thân và gia đình mình.
Trong khi đó, mở điều tra ngay bây giờ, nếu lộ ra thêm thông tin nào mới đều có thể giúp ông Trump tấn công ông Biden về mặt hình ảnh. Thậm chí, những thông tin mới nếu đủ sức nặng cũng có thể cho ông Trump cớ để kêu gọi hoãn việc xác nhận chức tổng thống cho ông Biden.
Tờ The New York Post hồi tháng 10-2019 đã công bố một số email cho thấy ông Hunter khi còn là thành viên ban quản trị tập đoàn khí đốt Burisma của Ukraine vào năm 2015 đã lợi dụng tên tuổi của cha để kiếm lợi bất chính. Ông Hunter được cho là kết nối cha mình với một thành viên cấp cao ở Burisma khác để nhờ ông Joe Biden, lúc này là phó tổng thống, giúp đỡ không trong sáng.•
 Đảng viên Cộng hòa đòi tách bang Texas khỏi Mỹ
Phản ứng trước việc Tòa án Tối cao từ chối đơn kiện của bang Texas, ông Allen West, Chủ tịch chi bộ đảng Cộng hòa ở bang này, khẳng định tòa đã “lập ra một tiền lệ mà theo đó các bang có thể vi phạm Hiến pháp Mỹ và không bị bắt chịu trách nhiệm”, theo đài CNBC. 
Đảng viên Cộng hòa này còn đề nghị Texas và 17 bang gửi bản đóng góp ý kiến ủng hộ vụ kiện Texas tách khỏi Mỹ. “Có lẽ những bang tôn trọng luật nên liên kết với nhau và hình thành liên minh những bang tuân thủ Hiến pháp Mỹ” - ông West nói.
Trước đó, cũng trong tuần này, hạ nghị sĩ Cộng hòa của bang Texas - ông Kyle Biedermann cho biết sẽ đề xuất dự luật cho phép trưng cầu ý dân tách bang Texas khỏi Mỹ và trở thành một quốc gia độc lập.
Vào năm 1845, bang Texas đã từng tuyên bố tách khỏi Mỹ và sau đó gia nhập Liên minh miền Nam Mỹ (gồm 11 bang), thổi bùng cuộc nội chiến ở nước này. Sau khi chiến tranh kết thúc, Texas gia nhập trở lại chính quyền liên bang năm 1870.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm