Mới đây, trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 "Khơi thông động lực tăng trưởng mới" ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có những chia sẻ liên quan tới khó khăn của ngành xây dựng.
Cần có cơ chế bảo vệ nhà thầu
Theo ông Hiệp, đầu tư công nên công nghiệp xây dựng tăng, tuy nhiên, cơ hội hiện tại chỉ đang mở rộng cho các doanh nghiệp xây dựng lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp chuyên về phát triển hạ tầng kinh tế hoặc xây dựng các dự án đường cao tốc.
Trong khi đó, 93-94% công ty với quy mô vốn đầu tư nhỏ và trung bình đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội và thị trường mới.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng nhấn mạnh về tình trạng mất cân bằng giữa nợ thu và nợ trả của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Tình trạng này thường xảy ra khi các doanh nghiệp đầu tư tiền vào mua vật liệu xây dựng trước, nhưng sau đó gặp khó khăn trong việc thu hồi tiền khi dự án đã hoàn thành.
Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch VACC kiến nghị cần có cuộc gặp giữa doanh nghiệp xây dựng với Thủ tướng để chia sẻ những khó khăn hiện nay và có cơ chế bảo vệ các nhà thầu.
Để giải quyết vấn đề nợ đọng trong ngành xây dựng, ông Hiệp đề xuất cần thiết lập một cơ chế chặt chẽ giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Ông cho rằng cơ chế đơn giá định mức Nhà nước hiện nay đã lạc hậu và gây ra những bất cập, tạo nên tình trạng thị trường hai giá. Do đó, việc hình thành đơn giá tổng hợp, tương tự như các nước tiên tiến, nhằm giải quyết những hạn chế trên là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, ông Hiệp cũng đưa ra nhận xét trong những năm gần đây, hầu hết các ngành hàng đều có chuyển biến tích cực, chỉ có riêng đầu tư bất động sản là đi xuống.
Lấy ví dụ về vấn đề định giá đất đai, theo ông hiện đang chưa có một quy định rõ ràng mà chỉ theo quy luật giá sau tăng hơn giá trước, từ đó khiến không thể kiểm soát thị trường, gây ra tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư. Với vấn đề này, ông Hiệp kiến nghị cần thiết lập một hành lang pháp lý chặt chẽ, tăng cường đầu tư từ tư nhân và mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc đóng góp ý kiến vào Luật đất đai.
Giá vé máy bay vẫn là thách thức
Với ngành du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - cho biết, có ba khó khăn lớn nhất, gồm: VISA, giá điện và giá vé máy bay. Trong đó, vấn đề về VISA và giá điện đã được giải quyết, nhưng giá vé máy bay vẫn là một thách thức đang phải đối mặt.
Để giải quyết vấn đề này, ông đề xuất phân tích các yếu tố cấu thành giá vé và tìm cách tháo gỡ khó khăn để du lịch Việt Nam có thể cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Trả lời cho vấn đề tăng trưởng khách du lịch ngoại quốc, ông Phúc chia sẻ Trung Quốc hứa hẹn sẽ là một thị trường tiềm năng cho ngành du lịch trong năm 2024. Bởi, trong tháng 3, lượng khách Trung Quốc đến nước ta tăng trưởng đứng thứ hai với 890.000 lượt, chiếm 19%.
Ông Phúc nhận định, du lịch Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên đất nước ta cũng đã phục hồi rất nhanh. Trong năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu, lượng khách đến với Việt Nam sẽ bằng năm 2019 là khoảng 17 đến 18 triệu người. Một tín hiệu đáng mừng là vào quý I năm 2024 kết quả đã vượt qua lượng khách cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, ông Phúc cũng bày tỏ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã và đang triển khai nội dung hệ sinh thái du lịch thông minh. Đây là một hệ thống tích hợp dữ liệu phù hợp với du lịch Việt Nam, từ đó đem đến những giá trị tích cực cho cả khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Phúc mong muốn các đơn vị sẽ cùng đóng góp, hỗ trợ để hệ sinh thái sớm hoàn thiện.