Ngày 13-7, gửi đơn đến Thủ tướng chính phủ, các doanh nghiệp (DN) có 58 container tiêu đang bị kẹt tại Nepal cho biết: Ngày 6-4, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal ban hành quyết định tạm ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng. Trong đó có mặt hàng là hồ tiêu (Mã HS: 09041100).
Quyết định này chỉ áp dụng với những lô hàng vận chuyển đến Nepal sau ngày 29-3, những lô hàng trước đó vẫn được nhập khẩu bình thường.
Tuy nhiên, các lô hàng hồ tiêu từ Việt Nam (xuất trước ngày 29-3) đến Nepal đều bị từ chối thanh toán với lý do không có giấy phép nhập khẩu từ chính phủ. Do vậy, 58 container tiêu của 13 DN Việt Nam đang bị mắt kẹt ở cảng Birgunj (Nepal) và tại cảng Kolkata (biên giới Nepal – Ấn Độ).
Ngay sau khi nhận được thông tin của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký công thư gửi Bộ trưởng Công Thương và Vật tư Nepal yêu cầu hỗ trợ DN Việt Nam.
Đồng thời phía Việt Nam cũng tổ chức các buổi làm việc trực tuyến với Nepal để tìm hướng giải quyết. Trong trường hợp không thể nhập khẩu thì tạo điều kiện cho các DN Việt Nam được tái xuất các lô hàng đang nằm tại cảng Nepal về nước.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết theo các biện pháp mà Chính phủ Nepal áp dụng, các DN phải có L/C (tín dụng thư) mở trước ngày 29-3 mới được thanh toán. Đồng thời, muốn tái xuất các lô hàng khỏi Nepal thì điều kiện quan trọng là phải có đơn xin tái xuất của các nhà nhập khẩu Nepal.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hợp đồng của 13 DN Việt Nam phần lớn đều không mở L/C. Trong khi đó, hơn hai tháng qua, kể từ ngày Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu, các nhà nhập khẩu tại Nepal có biểu hiện không hợp tác, không trả chứng từ, không ký đơn để các DN Việt Nam làm thủ tục tái xuất.
"Tính đến đầu tháng 7, mới có một vài nhà nhập khẩu Nepal đồng ý ký đơn xin tái xuất và cung cấp chứng từ tái xuất" - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho hay.
Hiện Bộ Công Thương vẫn đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) tiếp tục họp với Hiệp hội và các nhà nhập khẩu hồ tiêu của Nepal để thuyết phục họ phối hợp, đồng ý ký đơn để các DN Việt tái xuất các lô hàng.
Việc thuyết phục phía Nepal cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi Nepal không có cơ quan đại diện tại Việt Nam và ngược lại.