Vì sao dệt may Việt Nam chưa thể chiếm ngôi đầu của Trung Quốc?

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đạt 2,64 tỉ USD, tăng 16,1% tương ứng tăng 366 triệu USD so với tháng trước.

Lũy kế đến hết tháng 10-2021, cả nước đã xuất khẩu 26,1 tỉ USD hàng dệt may, tăng 5,5% tương ứng tăng 1,35 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 12,8 tỉ USD, tăng 10,2%; sang EU đạt 2,6 tỉ USD, tăng 1,14%; Nhật Bản đạt 2,6 tỉ USD, giảm 11%.

Tại buổi khai trương cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2019, nhà sáng lập Uniqlo - tỉ phú Nhật Tadashi Yanai, đánh giá, Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn thứ 2 của Uniqlo sau Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được đánh giá rất cao và công nhận trên toàn cầu. Do đó, Việt Nam đang gia tăng sự hiện diện trên khắp thị trường thế giới.

Báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới vào tháng 8-2021 công bố, ngành dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 thế giới năm 2020.

Phó giáo sư Rajkishore Nayak, giảng viên cấp cao ngành thời trang Đại học RMIT Việt Nam, cho biết Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về dệt may trên toàn cầu nhờ vào tổng xuất khẩu của Bangladesh giảm trong năm 2020 do các nhà máy đóng cửa kéo dài hoặc các thương hiệu phương Tây đã hủy bỏ một số đơn đặt hàng.

Ngoài ra, một số vấn đề tuân thủ liên quan đến tiêu chuẩn xây dựng và tính bền vững cũng dẫn đến việc giảm năng lực sản xuất ở Bangladesh. 

Trong khi đó, Việt Nam cố gắng đa dạng hóa sản xuất sang nhiều dòng sản phẩm bao gồm quần áo thời trang nhanh, quần áo trung và cao cấp và phụ kiện. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định và khả năng phục hồi trên thị trường xuất khẩu dệt may trên toàn cầu.

"Mặc dù gặp khó khăn trong lần dịch thứ 4 vừa qua đã ảnh hưởng ít nhiều đến ngành dệt may nhưng Việt Nam vẫn có thể duy trì vị thế toàn cầu là một trong những quốc gia ưa chuộng nhất ngành sản xuất thời trang và dệt may do năng lực đáp ứng tốt hàng chất lượng cao ở cấp độ toàn cầu" - ông Rajkishore Nayak nói.

Dệt May Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa với Trung Quốc.

Tiến sĩ Majo George, giảng viên Giảng viên khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT nhận định, từ năm 2015 đến năm 2020, Trung Quốc đã mất thị phần trong xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu sang một số quốc gia lân cận như Việt Nam và Bangladesh. Tuy nhiên, để nói rằng Việt Nam chiếm được ngôi vị hàng đầu của Trung Quốc ở lĩnh vực này là chưa có khả năng.

Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế trên thị trường xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu do năng lực sản xuất quy mô lớn nhờ vào quá trình tự động hóa quy mô lớn. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc lần lượt đạt 154 tỷ USD. Có thể thấy rằng Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19.

Lợi thế của Trung Quốc nằm ở việc sở hữu chuỗi cung ứng thời trang và dệt may hoàn chỉnh nhất thế giới. Điều này giúp các thương hiệu thời trang toàn cầu dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm thời trang và dệt may, nguyên liệu dệt, đồ trang trí và phụ kiện thời trang tại địa phương.

Lý do quan trọng khác là trong thời kỳ dịch bệnh, hầu hết các tiêu chí tìm nguồn cung ứng của các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ để giữ vị thế cạnh tranh trên toàn cầu có thể dễ dàng tìm thấy tại Trung Quốc. Do đó, các thương hiệu thời trang quốc tế sẽ không dễ dàng đảo ngược chiến lược dài hạn và chấm dứt mối quan hệ với Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm