Ngày 14-11, Bộ Ngoại giao đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên UNCLOS.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã khẳng định vai trò của công ước trong việc duy trì trật tự trên biển, khai thác, sử dụng và bảo tồn biển và đại dương suốt 25 năm qua.
Với 320 điều và chín phụ lục điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương”, là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động sử dụng và hợp tác về biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Lễ chào cờ trên Nhà giàn DK1 của Việt Nam. Ảnh: NGÔ BÌNH
Thời gian qua, tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, vi phạm nghiêm trọng các quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực được quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam kiên trì quan điểm tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không có những hành động diễn giải sai trái hay cố tình hạ thấp ý nghĩa, vai trò của công ước.
Bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng công ước, các bên liên quan cần giải quyết thông qua thương lượng hoặc các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực; tham gia đàm phán một cách thiện chí, xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.