Lá thư cảm ơn phóng viên viết từ “điểm nóng”

Chúng tôi vô cùng xúc động, trân trọng sự đồng cảm chia sẻ, cùng kề vai sát cánh của các nhà báo với lực lượng thực thi pháp luật trong những ngày cam go nhất tại “điểm nóng” Hoàng Sa”.

Các phóng viên Việt Nam tác nghiệp trên tàu 2016 - Ảnh: M.Quang 

Đó là một đoạn trích trong lá thư gửi đi từ một biên đội tàu kiểm ngư đóng tại Hoàng Sa đến các nhà báo cũng ở tại Hoàng Sa, nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6.

Thư viết vội trên sóng

5g sáng 18-6, mặt biển Hoàng Sa sau nhiều ngày chìm trong dông tố nay bắt đầu sáng lên, vậy nhưng gió tây nam vẫn chưa ngừng thổi hẳn. Gió mùa cấp 5 khiến biển Hoàng Sa xuất hiện những con sóng bạc đầu đánh đì đùng vào mạn tàu. Con tàu kiểm ngư 22 sau tám lần bị tàu Trung Quốc đâm va giờ xem ra dễ tròng trành trước những cơn sóng lớn. “Thân tàu có lẽ đã bị lệch nhưng chưa có dịp đưa lên bờ chỉnh lại” - thuyền trưởng tàu kiểm ngư 22 Lê Minh Phúc nói. Nhóm phóng viên chúng tôi nghe vậy cũng cảm thấy xót xa khi tận mắt chứng kiến những vết thương mà con tàu phải hứng chịu.

6g sáng, khi cả nhóm năm phóng viên đang chuẩn bị máy móc để cùng tàu kiểm ngư 22 tiến sâu vào giàn khoan 981 tiếp tục đấu tranh, tuyên truyền thì nhận được thông báo từ cabin cho biết khoảng một giờ nữa, chỉ huy tàu sẽ có buổi gặp mặt các phóng viên. Không biết tin lành hay dữ sẽ đến, cả nhóm thấp thỏm ngồi đợi.

Gần một giờ trôi qua. Tất cả đều im lặng hướng mắt về phía giàn khoan 981 giữa biển. Bao quanh là cả trăm tàu hộ tống lớn bé xếp thành nhiều lớp khác nhau. Bất chợt tiếng của lãnh đạo tàu kiểm ngư 22 vang lên: “Nhà tàu mời các phóng viên lên gặp mặt”. Trong căn phòng chật chội chưa đến 10m2, giọng thuyền trưởng Phúc ấm cúng: “Chúng tôi vừa nhận được thư của lãnh đạo gửi đến các anh nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6”. Nói rồi, Phúc lôi từ trong cuốn sổ nhật trình ra tờ giấy vở ô li, trên mặt giấy những dòng chữ còn viết vội, rồi đọc: “Hoàng Sa, ngày 18-6... Hôm nay đại diện cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam, chúng tôi xin gửi đến các anh chị phóng viên đang có mặt tại thực địa lời cảm ơn chân thành nhất nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng tôi vô cùng xúc động, trân trọng sự đồng cảm chia sẻ, cùng kề vai sát cánh của các nhà báo với lực lượng thực thi pháp luật trong những ngày cam go nhất tại “điểm nóng” Hoàng Sa. Những nghĩa cử đó đã tiếp thêm cho chúng tôi ý chí, nghị lực, sức mạnh và cả niềm tin để vượt qua khó khăn quyết tâm bám trụ buộc Trung Quốc phải chấm dứt các hành động sai trái, rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam... Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi chúc các anh chị phóng viên chân cứng đá mềm, cái tâm cùng ngòi bút của mình luôn hướng về chân lý, lẽ phải”.

Lá thư ngắn chưa đến một gang tay, được viết vội trên giấy vở học trò. Đọc xong lá thư, anh Phúc cười bảo: “Chữ của dân lái tàu đấy. Thư này được viết qua trên điện. Chúng tôi nhận và dịch lại, có lẽ thư vừa được viết sáng nay”. Nghe xong toàn bộ nội dung lá thư, tất cả năm anh em im lặng nghẹn ngào. Quang Huy - phóng viên báo Công An Nhân Dân - nói trong cảm động: “Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đón nhận một tình cảm chân thành đến như vậy. Quả sẽ là một kỷ niệm trong nghề không thể nào quên được”.

Vũ khí sắc bén

10 ngày có mặt trên các tàu kiểm ngư 22, 768 rồi tàu cảnh sát biển 4033 để tác nghiệp, chúng tôi - những phóng viên đến từ nhiều nơi - đều có chung một cảm nhận, đó là rất vinh dự khi được tác nghiệp tại “điểm nóng” Hoàng Sa.

Ông Cao Văn Chiến, chỉ huy biên đội kiểm ngư 4, đánh giá những gì báo chí đã đóng góp cho “mặt trận Hoàng Sa” suốt gần hai tháng qua: “Cuộc đấu tranh này sẽ còn dài và những gì mà báo chí làm được đã là một thành công”. Ông Chiến tâm sự rằng những ngày đầu tháng 5 khi Trung Quốc vừa hạ đặt  giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, khi ấy các biên đội tàu kiểm ngư, cảnh sát biển cũng đã có mặt. Nhưng tất cả đều gặp sự kháng cự đầy hung hăng của các tàu Trung Quốc. Họ sẵn sàng lao, đâm bất chấp mọi quy định của luật hàng hải quốc tế. Thế nhưng kể từ khi phía Trung Quốc phát hiện có nhiều phóng viên đi trên các tàu Việt Nam thì họ không còn hung hãn như trước nữa. Không còn dùng vòi rồng hay lao đâm hung hãn như trước. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc e ngại dư luận lên án. Đặc biệt là từ lúc các phóng viên quốc tế đến với Hoàng Sa thì “điểm nóng” này liên tục được đưa ra phơi bày với cả thế giới. Đây chính là điều mà Trung Quốc đang cố che đậy, không muốn thế giới và nhân dân Trung Quốc biết đến. “Nói ra điều này chứng tỏ chúng ta đã rất thành công khi kịp thời đưa báo chí có mặt tại thực địa để ghi nhận những gì đã và đang xảy ra. Báo chí các bạn chính là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh đầy cam go này” - ông Chiến khẳng định

Khuya 18 rạng sáng 19-6, nhóm phóng viên nhận lệnh rời tàu kiểm ngư 22, chuẩn bị qua tàu cảnh sát biển 4033 để vào đất liền. Trong ánh sáng mờ mờ của trăng cuối tháng, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển  4033 Lê Trung Thành nói cười vui vẻ, át luôn cả tiếng sóng vỗ: “Xin chào các nhà báo đến với tàu 4033”, nói rồi Thành đưa tay kéo từng người từ canô lên boong tàu. Khi tất cả đã ổn định, Thành mới tiếp câu chuyện bỏ dở: “Tàu vừa đưa một nhóm năm nhà báo quốc tế đi thực địa suốt năm ngày trên biển, bây giờ là tiếp tục đưa các anh. Sắp tới sẽ còn nhiều tốp phóng viên tiếp tục ra “điểm nóng” nữa. Chỉ mong sao các anh đưa thật nhiều hình ảnh, nhiều bình luận sát thực tế đến với công luận trong và ngoài nước. Bởi trong cuộc đấu tranh này, báo chí đã đóng một vai trò rất lớn, đó là công bố sự thật những gì đã và đang xảy ra tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam”.

 

Kết nối hậu phương với tiền tuyến

Thuyền trưởng tàu kiểm ngư 22 Lê Minh Phúc ngân ngấn nước mắt bảo rằng anh quá xúc động khi cầm trên tay tờ báo có in hình cả gia đình anh ở Nghệ An, rồi cảnh con tàu 22 bị tàu Trung Quốc đâm rách. Phúc tâm sự: “Lâu lắm rồi chưa có dịp về thăm quê, giờ lật báo ra thì thấy ảnh cả gia đình trên đó, xúc động lắm anh ạ”. Cùng tâm trạng như anh Phúc, kiểm ngư viên Mai Văn Hòe mắt nhòe đi khi bắt gặp hình ảnh vợ và con gái mình nhận sổ tiết kiệm do bạn đọc gửi tặng đăng trên báo Tuổi Trẻ. Đọc xong mẩu tin, Hòe gấp tờ báo cẩn thận cho vào tủ cá nhân. “Khi nào vào bờ, mình sẽ đóng khung treo trước bàn học của con gái. Dễ gì cả nhà được lên báo”, nói rồi anh cười giòn tan giữa sóng biển

Theo ĐĂNG NAM - từ Hoàng Sa, Việt Nam (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm