Một phát ngôn viên quân đội CHDC Congo ngày 25-11 cho biết hai công dân Trung Quốc đã thiệt mạng và một số người khác đã bị bắt cóc trong một vụ tấn công của nhóm vũ trang CODECO vào một trại khai thác mỏ ở miền đông nước này.
Theo hãng tin Reuters, một lãnh đạo địa phương và một lãnh đạo xã hội dân sự cũng xác nhận hai trường hợp thiệt mạng và cho biết 8 người Trung Quốc khác đã mất tích sau vụ tấn công hôm 24-11. Họ cũng đổ lỗi cho CODECO, một trong những nhóm vũ trang hoạt động trong khu vực.
Công nhân khai thác vàng ở CHDC Congo. Ảnh: AFP
Vụ tấn công diễn ra ở Djugu, thuộc tỉnh Ituri, nơi công dân Trung Quốc có hoạt động khai thác vàng phi chính thức.
“Chúng tôi xác nhận các phần tử CODECO đã tấn công một trong những vị trí của chúng tôi trên địa phận Djugu. Họ cũng tấn công một căn cứ của những người anh em Trung Quốc của chúng tôi, không may giết chết hai người trong số họ và bắt cóc những người khác” – Trung úy Jules Ngongo, phát ngôn viên của quân đội CHDC Congo ở Ituri cho biết.
Reuters không thể liên hệ với nhóm vũ trang CODECO cũng như Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Kinshasa để yêu cầu bình luận.
Liên Hợp Quốc cho biết các vụ tấn công lặp đi lặp lại của CODECO đã giết chết hàng trăm thường dân tại khu vực Djugu kể từ năm 2017 và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Khoảng 20 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nhằm vào dân thường di tản ở Djugu vào đêm 21-11 mà chính phủ cũng đổ lỗi cho CODECO.
Các tay súng CODECO chủ yếu đến từ cộng đồng nông dân Lendu, vốn có mâu thuẫn từ lâu với những người chăn nuôi Hema.
Vụ tấn công hôm 24-11 là vụ thứ hai vào một hoạt động khai khoáng của Trung Quốc trong vòng một tuần ở khu vực phía đông đầy bất ổn của Congo. Các nhà chức trách cho biết hôm 21-11, các tay súng đã giết một cảnh sát và bắt cóc năm công dân Trung Quốc gần một khu mỏ vàng ở tỉnh Nam Kivu.
Năm công nhân Trung Quốc bị bắt cóc là nhân viên của một công ty đã vận hành một mỏ vàng ở khu vực này trong khoảng 4 đến 5 tháng. Hiện chưa rõ những kẻ bắt cóc đã đưa năm người Trung Quốc đi đâu và số phận của họ như thế nào.
Hồi tháng 8, chính quyền Nam Kivu đã đình chỉ công việc của một số công ty do Trung Quốc tài trợ, sau khi người dân cáo buộc họ khai thác vàng mà trái phép và phá hoại môi trường.