Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 càng đến gần, cũng là lúc người dân làm hương ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tất bật vào vụ.
Theo các cụ cao niên, người dân trong thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch đã biết làm hương cách đây khoảng 300 năm nhưng lúc đó họ mới chỉ biết làm hương bằng loại lá cây hương trên rừng khá đơn giản.
Đến những năm 90, khi vô tình biết được loại cây trầm có mùi hương thơm dễ chịu, bớt đau đầu, căng thẳng, có thể đuổi được muỗi thì người dân đã kết hợp với lá hương tạo nên loại hương trầm cho đến ngày nay.
Theo bà Lê Thị Hoa (57 tuổi, trú tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch) cho biết, ngày nay, để làm nên cây hương trầm đáp ứng nhu cầu của người dân đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu và trải qua các bước vô cùng công phu.
Nguyên liệu để làm hương bao gồm lá hương, bột trầm hương, quế… được đem nghiền nhuyễn thành bột hương rồi làm theo tỉ lệ chuẩn để tạo nên cây hương.
“Que tre sau khi nhúng vào keo dính làm từ bột sắn sẽ được bỏ vào hộp xốp, rắc bột hương lên rồi lắc đi lắc lại theo đúng tỉ lệ rồi đem phơi. Ở đây, hương được làm thủ công, không làm máy móc được, 100% không độc hại, hương thơm dịu dàng và không có chất độc hại nào hết” - bà Hoa nói.
Những ngày này, bước qua cổng làng thôn Quyết Thắng có thể cảm nhận được mùi hương thơm đã thoang thoảng nhẹ dịu. Từng sân nhà, khoảnh vườn, người dân đều dành ra để đem từng que hương vừa mới được làm thủ công ra phơi nắng.
Những nén hương sau khi làm xong được đem phơi dưới ánh nắng từ 2 đến 3 ngày nhằm đảm bảo độ cháy đều, khi cháy sẽ uốn cong như bông hoa.
Trải qua bao thăng trầm, làng hương Quyết Thắng hiện đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được hợp tác xã nên chưa có thương hiệu riêng cũng khiến giá cả sản phẩm không cao và chưa được biết đến rộng rãi.
“Do chưa xây dựng được hợp tác xã nên làng hương Quyết Thắng vẫn chưa có thương hiệu riêng. Dù sản phẩm chưa được tiêu thụ rộng rãi nhưng hầu như gia đình nào trong làng đến dịp này cũng làm hương, vừa là kiếm tiền dịp Tết và cũng là cách để giữ lửa làng nghề” - anh Trần Đình Doãn, trú tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch tâm sự.
Thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch hiện có hơn 500 hộ dân, trong đó có khoảng 80% hộ có nghề làm hương trầm, nhờ nghề làm hương trầm.
Mỗi bó hương gồm có 100 que được bán ra có giá từ 150.000-170.000 đồng. Hàng năm, hộ nào làm ít thì cũng được 20.000 que, hộ làm nhiều thì 50.000 đến 60.000 que mang đến thu nhập hàng chục triệu đồng.
Theo ông Lưu Đức Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết, địa phương này đang lên kế hoạch xây dựng hợp tác xã nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm chất lượng, thương hiệu làng nghề hương trầm Quyết Thắng. Qua đó, từng bước đưa nghề làm hương trầm trở thành việc làm mang lại thu nhập cao cho người dân nông thôn vào mỗi dịp cao điểm.