Liệu Taliban có thể vận hành các máy bay Mỹ tiếp thu được?

Một đoạn video được chia sẻ trực tuyến cho thấy các chiến binh taliban dường như đang cố gắng vận hành chiếc trực thăng UH-60 Black Hawk được trang bị bệ phóng tên lửa và súng máy của Mỹ. Tuy nhiên, theo đoạn video, cánh quạt của chiếc máy bay trị giá 6 triệu USD quay đều khi di chuyển trên sân bay nhưng lại không thể cất cánh. Theo tờ The National News, điều này đặt ra câu hỏi liệu Taliban có thể xây dựng lực lượng không quân của riêng mình và có thể điều khiển các máy bay tinh vi của Mỹ hay không?

Taliban hiện có gì?

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Taliban đang sở hữu ít nhất 34 máy bay do Mỹ cung cấp - phần lớn trong số đó là trực thăng Mi-17 do Nga chế tạo và được Mỹ mua từ các nhà cung cấp Đông Âu - cho quân đội Afghanistan. Bên cạnh đó, Taliban cũng có thể có khoảng 5 máy bay tấn công hạng nhẹ Embraer Super Tucano và một số máy bay Cessna 208 Caravan. Cả hai đều là máy bay cánh quạt và có khả năng bắn rocket cũng như tên lửa. Nhiều máy bay khác đã được đưa ra khỏi Afghanistan đến các nước láng giềng Uzbekistan và Tajikistan trong quá trình sơ tán.

Trong khi đó, ông Ahmad Massoud - chỉ huy nhóm sắc tộc Tajik chống Taliban, trú tại khu vực thung lũng Panjshir - nắm giữ đến tám chiếc UH-60 Black Hawk. Việc liệu Taliban hay nhóm kháng chiến của ông Massoud có thể xây dựng lực lượng không quân của riêng mình từ những trang thiết bị mà Mỹ tài trợ cho lực lượng chính phủ Afghanistan hay không hiện vẫn đang là một câu hỏi lớn.

Cường kích A-29 Super Tucano do Brazil sản xuất. Ảnh: US AIR FORCE

Theo The National News, máy bay quân sự không chỉ cần đội ngũ phi công được đào tạo bài bản mà còn cần các nhân viên vận hành mặt đất, phụ tùng thay thế và vũ khí tiên tiến. Ngay cả khi Taliban đọc hướng dẫn sử dụng máy bay, việc cố gắng lái chúng sẽ gặp một số rủi ro.

Một cơ quan kiểm toán quốc phòng của Mỹ đã cảnh báo vào năm 2012 rằng một hướng dẫn sử dụng máy bay có nhiều thuật ngữ kỹ thuật không thể dịch sang tiếng Dari (ngôn ngữ chính ở Afghanistan), dẫn đến “lo ngại về khả năng vận hành của máy bay”. Nói cách khác, bất cứ thông tin nào bị bỏ sót trong bản dịch đều có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.

Khó khăn trong việc xây dựng lực lượng không quân

Cựu Đại tá Không quân Mỹ Forrest Marion cho biết, vào thời điểm Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan và Taliban chiếm được sân bay Kandahar vào năm 1994 trong cuộc nội chiến tại quốc gia Tây Nam Á này, hơn 20 tiêm kích MiG-21 đã rơi vào tay Taliban, và lực lượng này buộc Đại tá Abdul Shafi Noori - chỉ huy đội bảo trì Kabul Air Wing của quân đội Afghnistan - phải giữ cho máy bay hoạt động ổn định. Theo ông Marison, hoạt động này về sau vẫn tiếp tục được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Pakistan.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, không phải tất cả những nhân viên bảo trì và phi công cũng đều hợp tác với Taliban. Theo lời ông Marion, một phi công từng phục vụ cho lực lượng không quân Afghanistan do Liên Xô hậu thuẫn đã làm việc cho Taliban. Tuy nhiên, người này đã từ bỏ việc và trở thành một chủ cửa hàng sau năm 2001. Về sau, người này đã gia nhập lực lượng không quân Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn để chống lại Taliban một lần nữa.

Hiện nay, nhiều phi công Afghanistan do Mỹ đào tạo không muốn làm việc với Taliban vì họ đã chứng kiến các cuộc tấn công khiến vô số đồng đội của họ thiệt mạng do lực lượng này gây ra. Theo Đại tá Không quân Afghanistan Salim Faqiri, một số phi công có nguy cơ bị bắt cóc và buộc phải phục vụ cho lực lượng này. Ông nhận định rằng điều phù hợp nhất với Taliban hiện tại là sử dụng máy bay Mi-17 - dòng máy bay hầu hết phi công thuộc Không quân Afghanistan đều sử dụng thành thạo.

Ông Lukas Muller - tác giả quyển sách viết về lịch sử chiến tranh trên không Afghanistan mang tên Wings Over the Hindu Kush - cho biết: “Tôi chắc chắn rằng Taliban đang làm cho ít nhất vài chiếc Mi-17 thuộc nhiều phiên bản khác nhau hoạt động. Những máy bay này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng không quân của Taliban trong những tháng tới. Chúng tương đối dễ bảo trì và phụ tùng luôn có sẵn trên thị trường. Trên thực tế, đây là loại máy bay phổ biến nhất được sử dụng trong cuộc nội chiến những năm 90 của thế kỷ trước, ngay cả những phe phái nhỏ, ít liên hệ với nước ngoài, cũng có thể vận hành nó”.

Ông Marion nói: “Mỹ đã cung cấp cho Afghanistan hai loại máy bay là C-130 và UH-60 Black Hawk. Tuy nhiên, đây là loại máy bay quá phức tạp đối với các phi công người Afghanistan. Black Hawk phức tạp hơn nhiều so với chiếc Mi-17 do Nga chế tạo. Ngoài ra, Mi-17 có thể phát huy nhiều khả năng trong môi trường chiến đấu ở Afghanistan vì Mi-17 được chế tạo đặc biệt cho nước này.”

Tuy nhiên, cho dù sở hữu Mi-17, Taliban cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Theo ông Marion, mặc dù phi công Afghanistan có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng nhiều máy bay trong số đó được bảo dưỡng khá kém khi dẫn đến nhiều rủi ro khi bay. Vào năm 2018, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết 20% hoạt động bảo trì Mi-17 vẫn do Mỹ đảm nhiệm.

Nếu việc vận hành Black Hawk và Mi-17 là một thách thức quá lớn đối với lực lượng Taliban, họ có thể dùng chiếc A-29 Super Tucano do Brazil sản xuất và trực thăng tấn công hạng nhẹ MD-530 do Mỹ phát triển. Ông Marion nhận định: “Các phi công thực hiện các chuyến bay cường kích A-29 là những nhân tố sáng giá nhất và được kính trọng nhất trong Không quân Afghanistan”.

Mặc dù MD-530 dễ điều khiển và có thể mang theo tên lửa, việc bảo trì nó vẫn phải phụ thuộc vào các nhà thầu Mỹ. Do đó, nếu Afghanistan phải đối mặt với một cuộc chiến không quân mới, nước này sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ các nước bên ngoài. Các phi công trung thành với Taliban hoặc lực lượng kháng chiến tại thung lũng Panjshir sẽ phải chấp nhận rủi ro rất lớn nếu họ quyến định thực hiện các chuyến bay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm