Đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài đã hơn một năm rưỡi với hơn 200 triệu người nhiễm, trong đó hơn 4,5 triệu người chết tính tới thời điểm này. Trong suốt thời gian này, một trong số lực lượng tuyến đầu trực tiếp chống dịch, đối mặt với sống chết, giành giật từng sinh mạng khỏi dịch bệnh là bộ phận nhân viên y tế.
Các y bác sĩ Mỹ nỗ lực cứu chữa bệnh nhân COVID-19.
Ảnh: Scott Kobner/LA County Dept of Health Services
Một năm rưỡi khổ đau
Có thể cảm nhận rõ sự quên mình của lực lượng y tế tuyến đầu qua bài viết của TS y khoa - BS Chavi Karkowsky ở TP New York (Mỹ) đăng trên tạp chí The Atlantic.
BS Karkowsky là một thành viên lực lượng y tế tham gia cứu chữa bệnh nhân ngay từ những ngày đầu nước Mỹ trở thành tâm dịch thế giới mà TP New York là điểm nóng nhất. BS Karkowsky cho biết trong suốt thời gian đó, mỗi ngày ông và đồng nghiệp phải chạy qua chạy lại các địa điểm phòng chăm sóc đặc biệt, phòng mổ, nhà xác và ký quá nhiều giấy chứng tử. Y bác sĩ phải làm điều này vì theo ông, “chúng tôi được đào tạo để chăm sóc những người cần đến chúng tôi”.
BS Karkowsky và các đồng nghiệp đã phải trải qua thời gian khủng khiếp - mà khoảng thời gian đầu luôn ám ảnh với việc thiếu khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ và nỗi sợ xuyên suốt rằng mình sẽ bị lây bệnh và chết bất cứ lúc nào. Họ còn cả nỗi lo sẽ mang mầm bệnh về nhà lây nhiễm cho vợ/chồng, sợ con cái không còn cha mẹ. BS Karkowsky cho biết bản thân ông có lúc ba tháng đã không được gặp và hôn các con. Mỗi khi muốn gặp gia đình, các y bác sĩ phải vệ sinh thân thể và rửa tay đến mức phồng rộp để bớt nỗi lo lây bệnh cho người thân.
Những điều này không chỉ xảy ra tại Mỹ mà cả tại nhiều điểm nóng khác trên thế giới. Trong suốt một năm đầu khi chưa có vaccine ngừa dịch, các y bác sĩ động viên nhau cố gắng cứu người, dù sức lực ngày càng mỏi mòn, với hy vọng khi có vaccine tình hình tốt hơn.
Cuối cùng, niềm hy vọng của mọi người, trong đó có lực lượng y tế, đã thành sự thật, vaccine ngừa COVID-19 đã có mặt. Với rất nhiều y bác sĩ, vaccine ngừa COVID-19 có mặt ở Mỹ nửa đầu tháng 12 năm ngoái được xem như một món quà Giáng sinh đến sớm. Những tưởng sự ra đời của vaccine sẽ đồng nghĩa với sự kết thúc của những tháng ngày sợ hãi, kiệt sức và sự hy sinh của các nhân viên y tế nhưng điều đó không xảy ra. COVID-19 chưa chấm dứt, nhiễm lại tăng với sự xuất hiện của biến thể Delta, các bệnh viện lại quá tải.
Bên cạnh việc không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, một lý do chính khiến dịch ở Mỹ cũng như ở nhiều nơi khác chưa chấm dứt là vì người dân không chịu tiêm vaccine. Không kể những người có lý do chính đáng không thể tiếp nhận vaccine, phần lớn những người từ chối tiêm chủng lại vì các lý do không hề có căn cứ khoa học, như không tin tưởng chính quyền, thậm chí có kiểu suy nghĩ muốn làm mình khác biệt (với những người tiêm vaccine).
“Điều khiến tôi điên nhất là những người từ chối khoa học ngay cho đến giây phút họ cần mọi thứ tôi có thể làm để giữ họ sống sót…” TS y khoa-BS CHAVI KARKOWSKY nhắc lại lời một đồng nghiệp mô tả điều mà đồng nghiệp này cho là sự mâu thuẫn và thiếu trung thực trong hành vi của những người từ chối tiêm vaccine |
Kiệt sức, nản lòng
Tuy nhiên, thời điểm này sự chịu đựng và thái độ của lực lượng y tế dường như đã khác, vì lúc này, việc người dân để mình nhiễm bệnh không còn là điều không thể tránh, mà đó là sự chọn lựa. Không giống đợt dịch đầu khi chưa có vaccine, đợt dịch này mọi người có quyền chọn giảm thiểu tối đa nguy cơ phải trải qua bằng việc đi tiêm vaccine và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm như đeo khẩu trang, giãn cách… nhưng rất nhiều người đã không làm thế. Việc một người hội đủ điều kiện để tiếp nhận vaccine lại từ chối tiêm sẽ gây rủi ro không chỉ cho sức khỏe của mình mà cả cho rất nhiều người khác, trong đó có bộ phận người yếu thế không thể tiếp nhận vaccine, cũng như tạo gánh nặng cho y bác sĩ.
Theo BS Karkowsky, chính thực tế này đã khiến rất nhiều nhân viên y tế - đều đã kiệt sức, đã cho đi quá nhiều - cảm thấy nản lòng khi tiếp tục đón làn sóng bệnh nhân COVID-19 mới. Sau nhiều thảm cảnh mà mình phải chứng kiến, thậm chí phải trải qua trong suốt một năm rưỡi, nhiều y bác sĩ đã cảm thấy thật khó khăn để thông cảm với những người không chịu tiêm vaccine, hay nói cách khác là không nghĩ đến những vất vả của lực lượng y tế.
Đã xuất hiện một số động thái tiêu cực từ thực tế này. BS Karkowsky nói ông biết rõ vào thời điểm dịch bệnh thế này thì nhân viên y tế là lực lượng sống còn, tuy nhiên có một thực tế là nhiều người đã chọn rời bỏ ngành y. Có người xin sang làm ở phòng khoa khác không chữa COVID-19 nữa.
Có người còn nêu ý kiến nếu cùng điều trị người đã tiêm vaccine và người không tiêm vaccine mà không có lý do chính đáng thì nên ưu tiên nguồn lực y tế cứu người đã tiêm vaccine. BS Karkowsky cho biết ông đã nhìn thấy trên mạng xã hội những dòng chữ mà ông thậm chí không bao giờ nghĩ sẽ có người bày tỏ trên một diễn đàn công cộng: “Người chọn không tiêm vaccine không nên được ghép phổi. Điều gì sẽ xảy ra nếu người không tiêm vaccine và nhiễm COVID-19 phải đợi ở phòng cấp cứu đến khi mọi người khác được khám? Có nên từ chối các bệnh nhân không tiêm vaccine?”. Điều đau xót là trong số những người bày tỏ cảm giác nản lòng, tức giận này có nhiều y bác sĩ.
Dù thế, theo BS Karkowsky, phần đông các y bác sĩ dù mệt mỏi và có phần nản lòng nhưng vẫn sẽ tận tụy cứu người đến cùng. Ông và rất nhiều đồng nghiệp kêu gọi mọi người trước khi ra quyết định cá nhân về chuyện có tiêm vaccine và tuân thủ các biện pháp phòng dịch, hãy không chỉ nghĩ đến mình mà cả những người xung quanh, người thân, cộng đồng và cả những nỗi cực nhọc mà các y bác sĩ đã phải chịu đựng trong suốt thời gian dài.•
“Chúng tôi cần cộng đồng giúp đỡ” Y tá Jen Sartin tại một bệnh viện ở bang Mississippi (Mỹ) nói với đài MSNBC rằng cô đã yêu cầu được chuyển qua làm tại một khoa khác vì không còn chịu đựng nổi sự mâu thuẫn cảm xúc khi vừa tức giận vừa phải chăm sóc người nhiễm COVID-19 do không tiêm vaccine. “Thành thật mà nói, tôi đã cống hiến rất nhiều, tôi không thể tiếp tục. Đó là lý do tại sao tôi quyết định chuyển sang một bộ phận khác, bởi vì nó tác động đến tôi theo cách mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới… Tôi phải bảo vệ bản thân và gia đình cũng như sự tỉnh táo của mình. Họ không làm những gì họ cần làm để bảo vệ chúng tôi và bạn biết đấy, chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là robot, không phải là máy móc. Chúng tôi không thể tiếp tục làm điều này mãi với khả năng này. Chúng tôi đã mệt. Các y tá mệt quá rồi. Đã đến lúc chúng tôi cần trợ giúp. Chúng tôi đã làm hết sức mình và giờ chúng tôi cần sự giúp đỡ từ cộng đồng” - y tá Sartin chia sẻ tâm trạng với MSNBC. Y tá Sartin kêu gọi mọi người hãy làm phần việc của mình là đi tiêm vaccine và đeo khẩu trang cũng như thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết khác. |