Luật sư nói gì về vụ học viên học lái xe gây tai nạn?

(PLO)- Vụ tai nạn do người học lái xe khiến bé gái tử vong khiến nhiều người tranh cãi về trách nhiệm pháp lý thuộc về ai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xảy ra vụ tai nạn giao thông từ ô tô con do học viên tập lái cầm lái khiến bé gái 3 tuổi thiệt mạng. Hiện cơ quan công an đang củng cố hồ sơ, xem xét trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý theo quy định.

Vụ việc cũng gây ra nhiều tranh cãi về trách nhiệm pháp lý thuộc về ai?

Vụ tai nạn khiến một bé gái tử vong. Ảnh: MXH

Vụ tai nạn khiến một bé gái tử vong. Ảnh: MXH

Trao đổi với PLO, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, chia sẻ: “Việc xảy ra tai nạn của người học viên gây đến chết người là điều mà không ai mong muốn, trong trường hợp cụ thể này, chúng ta xem xét về trách nhiệm của các chủ thể: Trung tâm dạy lái xe, thầy giáo dạy lái xe và học viên học lái”.

Theo luật sư phân tích, theo quy định tại khoản 1, điều 58, Luật giao thông đường bộ năm 2008, người tập lái ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

Trường hợp nếu giáo viên không bảo trợ tay lái mà giao xe cho học viên tự ý tập lái, nghĩa là có vi phạm khi giao xe ô tô là nguồn nguy cao độ, cho người không đủ điều kiện lái xe. Trường hợp này cả thầy giáo và học viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ.

“Theo đó tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là hành vi của con người coi thường quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính, không tuân thủ theo những quy tắc đó nên đã dẫn đến hậu quả chết người”- luật sư Tuấn nói.

Cũng theo luật sư, hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, được quy định tại Điều 129 BLHS năm 2015 quy định 2 khung hình phạt: Quy định hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm và phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Bên cạnh đó, hình phạt bổ sung là người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra khi cơ quan điều tra, cần đánh giá đầy đủ khách quan, toàn diện để xem xét các tội danh mà có thể áp dụng như: Giáo viên dạy lẫn học viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên hoặc tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Mức hình phạt có thể áp dụng đối với người này là phạt tiền từ 30- 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Đồng thời, người này cũng có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Về trách nhiệm dân sự, luật sư cho hay cần xác định bên có lỗi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại điều 591 Bộ luật dân sự 2015.

“Lưu ý người gây ra tai nạn là học viên của trường dạy lái xe, nên căn cứ theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự 2015, thì trường dạy lái xe cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu bé”- luật sư cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm