Burkini là trang phục áo tắm “bikini” của phụ nữ Hồi giáo, che kín người và chỉ để lộ rất ít da thịt.
Những bộ burkini làm xôn xao nước Pháp
The New York Times cho biết lệnh cấm này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 27-8. Lệnh cấm mới ban hành ghi rõ những người mặc đồ tắm “thiếu tôn trọng các phong tục tốt đẹp của địa phương và chủ nghĩa thế tục” sẽ không được phép xuống bãi biển hay bơi ở các bãi biển công cộng của TP Cannes. Những người vi phạm có thể bị phạt hành chính 38 euro.
Ngay sau khi được thông báo, lệnh cấm này đã trở thành đề tài gây tranh cãi. Thị trưởng TP Cannes, ông David Lisnard, đưa ra lý do rằng lệnh cấm như vậy là nhằm bảo đảm an ninh. Theo ông Lisnard, Pháp và những nơi thờ phụng tôn giáo đang là mục tiêu của các hành động khủng bố và nếu phụ nữ mặc burkini tới bãi biển sẽ thể hiện rất rõ tính chất tôn giáo, điều đó có thể gây ra những nguy cơ an ninh đối với trật tự công cộng.
Thị trưởng TP Cannes nói: “Nếu một phụ nữ đi bơi trong trang phục burkini, hình ảnh đó có thể gây sự chú ý cho một đám đông và phá vỡ trật tự công cộng. Lệnh cấm mà tôi đưa ra chính xác là để bảo vệ những phụ nữ đó. Burkini là trang phục của Hồi giáo cực đoan chứ không phải của Hồi giáo”.
Trong khi đó, những người chỉ trích cho rằng lệnh cấm này chỉ tạo ra những nguy cơ rạn nứt sâu sắc với người Hồi giáo ở Pháp. Nhóm tập thể chống chứng sợ người Hồi giáo ở Pháp cho rằng lệnh cấm của chính quyền TP là biểu hiện của sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ Hồi giáo. Còn phát ngôn viên của Hiệp hội Người Hồi giáo miền Nam nước Pháp thì khẳng định: “Lệnh cấm chỉ là một cách để các chính trị gia che giấu sự bất lực của họ trong việc giải quyết vấn đề an ninh trước nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố”.
Theo Reuters, lệnh cấm trên không chỉ được đưa ra tại TP Cannes mà còn được đưa ra ở Villeneuve-Loubet (thuộc tỉnh Alpes-Maritimes), TP Les Pennes-Mirabeau, TP Sisco trên đ?o ảo Corsica. TP Le Touquet ở bờ biển Đại Tây Dương cũng dự định sẽ áp dụng lệnh cấm này.
Đây không phải lần đầu tiên giới chức địa phương Pháp đưa ra những quy định gây tranh cãi như vậy. Vào năm 2004, thị trưởng Wissous, ngoại ô phía nam thủ đô Paris, cũng cấm phụ nữ đội khăn trùm đầu tới một bãi biển của TP này, tuy nhiên tòa án sau đó đã dỡ bỏ lệnh cấm.
Các bãi biển tại Pháp đang cuống cuồng cấm phụ nữ mặc burkuni, một kiểu “bikini Hồi giáo”. Ảnh: REUTERS
Bảo vệ “hồn Pháp”
Ngay chính Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng chen chân vào cuộc tranh luận, lên án bộ trang phục burkini chẳng khác gì một biểu tượng “nô lệ hóa phụ nữ”. Thậm chí ông còn nói sự phổ biến trang phục burkini là một phần của một “tiến trình chính trị” hướng đến viễn cảnh trên. Lãnh đạo phe cực hữu Marine le Pen thì cho rằng: “Linh hồn của nước Pháp đang bị thách thức. Người Pháp không khóa chặt cơ thể của phụ nữ”. Bà cho rằng nước Pháp sẽ không bắt phụ nữ phải che kín cơ thể mình chỉ vì nỗi sợ bị cám dỗ của nam giới.
Tờ The New York Times bình luận các lệnh cấm mặc burkini rõ ràng không đơn thuần gói gọn trong khía cạnh ăn mặc. Các nhà xã hội học cho rằng lệnh cấm này cũng không có vẻ gì bảo vệ phụ nữ Hồi giáo khỏi tín ngưỡng phụ hệ. Thay vào đó, nó chủ yếu bảo vệ số đông người dân Pháp khỏi những thay đổi quá lớn về mặt giá trị của thế giới quanh họ. Chính quyền Pháp dường như đang muốn bảo vệ “hồn Pháp”, không muốn phải mở rộng phạm vi “định nghĩa” các giá trị của người Pháp. Chuyên gia về nước Pháp và vấn đề Hồi giáo Terrence G. Peterson, thuộc ĐH Quốc tế Florida, cho rằng: “Những thông báo như thế này là một cách để giám sát và phân định đâu là “người Pháp” và đâu là “không phải người Pháp”. “Đây là một cuộc xung đột về bản sắc văn hóa”.
Cuộc xung đột về bản sắc này đang ngày một nghiêm trọng hơn dưới tác động của các vụ khủng bố kinh hoàng thời gian qua. Terrence G. Peterson cho biết từ kỷ nguyên thuộc địa của Pháp, khi đế quốc này còn kiểm soát nhiều lãnh thổ Hồi giáo, mạng che mặt đã bị xem như biểu tượng của sự tụt hậu về văn hóa. Phụ nữ Pháp với các tiêu chuẩn linh hoạt hơn về thời trang được xem như là minh chứng cho một nền văn hóa “tiến bộ” hơn. Tư duy này đã gieo mầm cho cuộc khủng hoảng bản sắc hiện nay tại đất Pháp.
Nước Pháp giờ đây đang chật vật tìm kiếm “linh hồn” của chính mình. Qua nhiều thế hệ người nhập cư từ các nước thuộc địa cũ đổ về Pháp, hình ảnh chiếc mạng che mặt Hồi giáo dần trở nên phổ biến. Nó trở thành biểu trưng của sự khác biệt tín ngưỡng và cả sự khác biệt về di sản văn hóa giữa các cộng đồng người Pháp. Bộ trang phục burkini đánh dấu một giai đoạn mới, khi mà những người gốc Pháp và văn hóa Pháp cũ không còn chiếm vị thế độc tôn trong bản sắc chung của người Pháp nữa, tờ The New York Times bình luận. Nước Pháp giờ đây đã trở thành một đất nước đa văn hóa và đa sắc tộc. Trong đó, Pháp trở thành nơi mà văn hóa Hồi giáo đang va chạm với các giá trị truyền thống của người phương Tây.
Với lệnh cấm bộ trang phục burkini, dường như những nhà quản lý đang muốn xác định rõ rằng: Những giá trị văn hóa “truyền thống” của Pháp cần được giữ là vị thế độc tôn trong bản sắc của nước Pháp. Thay vì nhìn nhận các giá trị văn hóa có thể cùng tồn tại riêng biệt, người Pháp đang đặt chúng ở thế đối đầu với nhau. Tờ The New York Times cảnh báo rằng việc bắt buộc một cộng đồng với những bản sắc riêng phải tuân theo các giá trị khác biệt sẽ đưa đến những kết cục khó lường. Cộng đồng người Hồi giáo Pháp có thể bị đẩy vào thế phải lựa chọn hoặc làm người Pháp hoặc làm người Hồi giáo. Điều này sẽ làm gia tăng sự cách biệt giữa người Hồi giáo và chính quyền Pháp, mở ra các khoảng trống để những tổ chức cực đoan lợi dụng lôi kéo.
Sự ra đời của burkini Vào năm 2004, một phụ nữ Úc gốc Li Băng, bà Aheda Zanetti, đã tìm ra một thị trường chưa ai nghĩ đến: Phụ nữ Hồi giáo. Cảm thấy khó chịu khi nhìn cô cháu gái của mình chơi bóng chuyền bãi biển trong bộ đồ “hijab” Hồi giáo, một trang phục phủ kín toàn thân, bà Zanetti quyết định thiết kế một bộ đồ biển phù hợp hơn cho phụ nữ Hồi giáo. Các trang phục burkini do bà sáng tạo ra được phổ biến trước nhất tại bãi biển Sydney (Úc). Zanetti sau đó sáng lập ra công ty sản xuất trang phục cho phụ nữ Hồi giáo mang tên Ahiida. Đến năm 2006, công ty của bà quyết định đăng ký thương hiệu cho cái tên burkini tại Úc và mọi quốc gia khác trên thế giới. Thiết kế độc đáo của bà đã giải quyết được vấn đề “đau đầu” của đông đảo phụ nữ Hồi giáo trên thế giới. |