Máy bay P-8A Mỹ do thám căn cứ Du Lâm của Trung Quốc?

Ngày 15-5, Hải quân Mỹ triển khai một máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon bay gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, nơi có căn cứ hải quân Du Lâm của quân đội nước này, theo tin từ trang tin The Drive (Mỹ).

Hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ hải quân Du Lâm ngày 3-3. Ảnh: GOOGLE EARTH

Tài khoản Twitter Golf9 chuyên theo dõi hoạt động của máy bay nhận thấy chiếc P-8A mang số hiệu 169010 của Hải quân Mỹ bay ngang qua Biển Đông và quay vòng quanh đảo Hải Nam vào vịnh Bắc bộ. Chiếc P-8A sau đó quay đầu và thực hiện một vòng quay tương tự.

P-8A do thám căn cứ Du Lâm?

Chiếc P-8A đã bay trong khu vực cách bờ biển phía nam đảo Hải Nam gần 50 km, bay ngang qua căn cứ hải quân Du Lâm của Trung Quốc.

Máy bay P-8A do Tập đoàn Boeing sản xuất, có khả năng thực hiện chiến tranh chống tàu ngầm, chống tàu chiến nổi. P-8A được trang bị ngư lôi, tên lửa chống tàu Harpoon và nhiều vũ khí khác. P-8A có khả năng thả và quan sát phao âm (để phát hiện tàu ngầm).

Theo Golf9, chiếc P-8A số hiệu 169010 là một trong ít nhất 7 chiếc P-8A từng được biết có trang bị hệ thống radar AN/APS-154.  

Một chiếc P-8A mang số hiệu 169007 được trang bị hệ thống radar AN/APS-154. Mũi tên màu đỏ chỉ về nơi hệ thống radar AN/APS-154 được lắp đặt. Ảnh: Trên trang THE DRIVE

Công ty quốc phòng Raytheon (Mỹ) phát triển hệ thống radar AN/APS-154 gần như trong tình trạng mọi thông tin được giữ kín, khả năng thực sự của hệ thống này vẫn còn bảo mật cao.

Theo The Drive, đảo Hải Nam là một mục tiêu quan sát kiểu mẫu mà hệ thống radar AN/APS-154 nhắm tới khi được thiết kế.

Thông tin chiếc P-8A số hiệu 169010 bay qua đảo Hải Nam đến sau khi báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin một tàu khu trục của Hải quân Mỹ di chuyển ở khu vực bờ biển Thượng Hải vào sáng 15-5. 

Một cặp tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp 094 và một tàu ngầm nữa đậu tại căn cứ Du Lâm ngày 3-3. Ảnh: GOOGLE EARTH

Cụ thể, tàu khu trục USS Rafael Peralta lớp Arleigh Burke được nhìn thấy cách bờ biển Thượng Hải 116 hải lý vào lúc 8 giờ sáng 15-5, theo hình ảnh chụp được của tổ chức Sáng kiến điều tra tình huống chiến lược ở Biển Đông (SCSPI - tại Đại học Bắc Kinh).

Trước đó, ngày 8-5, Mỹ triển khai một số máy báy ném bom B-1 bay trên Biển Đông.

Du Lâm - căn cứ chính của Hải quân Trung Quốc

Du Lâm là một căn cứ chính của Hải quân Trung Quốc, nơi có  số lượng lớn tàu ngầm hiện đại cũng như tàu chiến nổi của nước này.

Tàu chiến nổi của Hải quân Trung Quốc ở Du Lâm. Ảnh: GOOGLE EARTH

Có thông tin hồi tháng 4, Hải quân Trung Quốc đã nhận chuyển giao thêm 2 chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp 094. Nếu thông tin này chính xác thì hiện Hải quân Trung Quốc đang có tổng cộng 6 tàu ngầm dạng này. Trong số này có 4 chiếc thuộc Hạm đội Nam Hải hoạt động ở Biển Đông.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp 094 của Trung Quốc. Ảnh: Trên trang THE DRIVE

Hồi tháng 2, Văn phòng Tình báo Hải quân (Mỹ) nói với các nghị sĩ nước này rằng Trung Quốc chỉ mới hạ thủy 4 tàu ngầm lớp 094, tuy nhiên cơ quan này dự báo Hải quân Trung Quốc sẽ có 6 tàu dạng này vào năm 2025 và 8 tàu vào năm 2030. Trong số này có thể tính cả một số tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp 096 mà Trung Quốc đang sản xuất, theo The Drive.

Cận cảnh lối vào một nơi đậu tàu ngầm kín đáo tại căn cứ Du Lâm. Ảnh: GOOGLE EARTH

Tàu ngầm lớp 094, một đại diện cho sức mạnh tấn công hạt nhân của Trung Quốc, kết hợp với máy bay ném bom tàng hình chiến lược H-20 là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tiến gần đến mục tiêu triển khai bộ ba phòng thủ hạt nhân ở biển - đất liền - trên không. Gần đây, Trung Quốc có đề cập đến việc phát triển tên lửa đạn đạo JL-3 sử dụng nhiên liệu rắn và phóng từ tàu ngầm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm