Mẹ được nuôi con 18 tháng tuổi khi ly hôn?

Trong trường hợp tòa tuyên quyền nuôi con thuộc về người cha thì em phải làm sao để giành được quyền nuôi con? Bạn đọc luuthihoa@...

Luật sư LÊ NHẬT QUANG, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Với trường hợp của bạn, con bạn mới 18 tháng tuổi thì thông thường tòa sẽ giao con cho bạn trực tiếp nuôi để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bé. Còn nếu vì lý do nào đó tòa giao con cho chồng bạn thì bạn có thể làm đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Điều 93 của luật này quy định vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con nếu con từ đủ chín tuổi trở lên. Hồ sơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm: Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; bản án ly hôn; sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực); giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực); các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.

TRÂN CHÍNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm