“Cho đến nay, TP vẫn chưa nhận được ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh của dự án metro số 1 từ Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính”. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết như trên trong văn bản gửi hai bộ này về việc thẩm định nguồn vốn tuyến metro này ngày 7-10.
Nguy cơ tạm dừng thi công
UBND TP.HCM cho biết đã hoàn thành tổ chức đánh giá toàn bộ tình hình thực hiện dự án. Hoàn thành tổ chức thẩm định nội bộ việc điều chỉnh dự án, bao gồm thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn điều chỉnh của dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và đã gửi hai bộ trên vào đầu tháng 9.
Tuy nhiên, cho đến nay TP vẫn chưa nhận được ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh của dự án metro số 1 từ hai bộ. Trong khi đó, thời hạn hoàn tất hồ sơ điều chỉnh dự án, phê duyệt điều chỉnh cho dự án dự kiến phải kết thúc trước ngày 31-10 để TP.HCM kịp thời gian trình HĐND TP.HCM vào kỳ họp cuối năm.
Theo UBND TP, nếu tiến độ thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cho hai dự án tiếp tục kéo dài, chậm trễ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia nước ngoài tài trợ cho dự án. Đặc biệt, ảnh hưởng đến khả năng tài trợ tiếp theo cho các dự án đầu tư nói chung và các dự án đường sắt đô thị nói riêng trong tương lai. Bên cạnh đó, dư luận trong và ngoài nước sẽ có nhận định, đánh giá không tốt vai trò trong công tác quản lý, điều hành thực hiện các dự án vốn vay nước ngoài trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
Ngoài ra, sự chậm trễ này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, lãng phí do phải trả phí cam kết và phí thu xếp cho các hiệp định vay trong khi không giải ngân được vốn vay. “Nếu các thủ tục phê duyệt điều chỉnh không kịp hoàn thành trong tháng 11, việc chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu chắc chắn dẫn đến nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công, thậm chí dẫn đến tranh chấp, kiện tụng với các nhà thầu nước ngoài” - văn bản của UBND TP nêu rõ.
Với yêu cầu bức thiết nêu trên, UBND TP.HCM kiến nghị bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặc biệt quan tâm, thu xếp chủ trì một buổi làm việc với bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ tịch UBND TP.HCM. Qua đó, cùng với đại diện các cơ quan liên quan trong thời gian từ ngày 7 đến 11-10 để lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh của hai dự án.
Tuyến metro số 1 vẫn đang được thi công. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Phản hồi từ Bộ Tài chính
Cũng trong ngày 7-10, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời Bộ KH&ĐT về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thực hiện dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Theo đó, có bốn phần chính được Bộ Tài chính nêu ý kiến: Về các nguồn vốn nước ngoài đã huy động, về cơ chế tài chính, về khả năng bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, về quy trình thủ tục.
Thứ nhất: Theo bộ, tính đến thời điểm này, căn cứ các công hàm trao đổi giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, bộ đã thực hiện ba hiệp định vay. Hiệp định vay thứ nhất với giá trị 20,887 tỉ yen Nhật, sử dụng gói thầu tư vấn và gói thầu sử dụng nhà ga (không có thiết bị), hiệp định này đến nay đã kết thúc giải ngân. Hiệp định vay thứ hai với giá trị vay là 44,302 tỉ yen Nhật, chưa xác định cụ thể số vay lại. Hiệp định vay thứ ba với 90,175 tỉ yen Nhật, chưa ký hợp đồng cho vay lại. Ngoài ra, khoản vay thứ tư được TP.HCM đề cập chưa được đề xuất theo quy định của Luật Quản lý nợ công, chưa đàm phán công hàm trao đổi và hiệp định vay.
Vấn đề thứ hai, về cơ chế tài chính: Bộ cũng nêu ý kiến về nguyên tắc xác định cơ chế tài chính với giá trị tổng mức đầu tư ban đầu - giá trị vốn đầu tư tăng thêm (UBND TP vay lại 100% phần vốn vay nước ngoài tăng thêm). Về giá trị vốn vay cấp phát, vay lại, đối với tổng mức đầu tư điều chỉnh: Toàn bộ phần vốn vay Nhật Bản trong tổng mức đầu tư tăng thêm được cấp có thẩm quyền quyết định sẽ áp dụng cơ chế cho vay lại 100%.
Về giá trị vay lại trong tổng mức đầu tư điều chỉnh, bộ đề nghị UBND TP.HCM xác định rõ tổng mức đầu tư được duyệt là bằng Việt Nam đồng hay yen Nhật, căn cứ xác định, tỉ giá quy đổi, trên cơ sở đó làm rõ cơ cấu vốn vay, vốn đối ứng phù hợp theo chế độ quy định. Trường hợp cần vay thêm, đề nghị UBND TP.HCM có đề xuất gửi Bộ KH&ĐT báo cáo gửi Thủ tướng xem xét, quyết định.
Vấn đề thứ ba, đối với nguyên tắc bố trí vốn: Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát, cân đối phù hợp. Đối với nguồn vốn vay lại, đề nghị UBND TP.HCM đánh giá khả năng vay, trả nợ, cân đối nguồn này trong kế hoạch của TP. Phần vốn đối ứng (5.491,6 tỉ đồng), bộ đề nghị UBND TP thu xếp theo quy định. Đối với dự toán năm 2020, trên cơ sở dự toán của TP.HCM, Bộ Tài chính đã tổng hợp và đang trình các cấp có thẩm quyền bố trí cho TP vay lại để thực hiện dự án là hơn 11.254 tỉ đồng.
Vấn đề cuối cùng, về quy trình thủ tục: Bộ đề nghị TP rà soát các quy trình thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định về quản lý sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Metro số 1 vẫn thi công bình thường ngày 8-10, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về câu hỏi liệu tuyến metro số 1 có nguy cơ tạm dừng như văn bản của UBND TP gửi hai bộ hay không, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), cho biết hiện các nhà thầu của tuyến này vẫn đang thi công bình thường. Tuyến metro số 1 hiện đạt 67% khối lượng tổng thể và đang ở giai đoạn tập trung toàn bộ nguồn lực nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình, đưa vào khai thác quý IV-2021. |