“Chúng tôi đã trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng”. Ngày 12-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, đơn vị nghiên cứu tiền khả thi dự án (viết tắt là Tổng Công ty Cửu Long), cho biết như trên.
Khởi công giai đoạn 1 vào năm 2021
Theo tờ trình của Tổng Công ty Cửu Long gửi Bộ GTVT: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu tuyến kết nối cửa khẩu Tịnh Biên (thuộc xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang), điểm cuối tuyến giao với quốc lộ Nam Sông Hậu (khoảng Km81+750 lý trình quốc lộ Nam Sông Hậu - thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng).
Toàn tuyến có chiều dài 197,22 km với tổng mức đầu tư hơn 68.980 tỉ đồng. Dự án đi qua bốn tỉnh, TP gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Tổng Công ty Cửu Long cho hay đây là dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội thông qua nghị quyết, Thủ tướng quyết định đầu tư.
Trước mắt, Tổng Công ty Cửu Long đề xuất đầu tư giai đoạn 1: Phân đoạn tuyến từ ĐT 943 TP Long Xuyên (An Giang) đến quốc lộ 60 (Sóc Trăng) với quy mô bốn làn xe hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 23.618 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.
Điểm đầu tuyến giai đoạn 1 được xác định tại nút giao với đường tỉnh 943 (thuộc huyện Thoại Sơn, An Giang), điểm cuối đoạn tuyến là tại nút giao với quốc lộ 60 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).
Đoạn tuyến này có tổng chiều dài 105 km, trong đó qua tỉnh An Giang 11,134 km, TP Cần Thơ 44,26 km, tỉnh Hậu Giang 25,61 km và tỉnh Sóc Trăng 23,99 km. Thời gian khởi công dự kiến giai đoạn 1 vào năm 2021 và hoàn thành cơ bản năm 2025.
Sơ đồ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồ họa: HỒ TRANG
Đã đề xuất làm cao tốc từ hơn 10 năm trước
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho biết: “Hơn 10 năm trước, lãnh đạo các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang đã đề xuất với trung ương về việc hình thành tuyến cao tốc này. Đây là một chủ trương đầu tư cần thiết để phát triển khu vực ĐBSCL”.
Theo ông Hiệp, 20 năm trước, ông cũng đã có ý kiến về việc khu vực này cần mở ba cánh cửa giao thương: Đường hàng không, đường hàng hải và hướng về biên giới Tây Nam.
“Tới nay, hàng không đã có, giao thông thủy cũng phần nào được quan tâm. Duy chỉ đường bộ hướng về biên giới Tây Nam (về Campuchia, Lào) thì vẫn còn là điểm nghẽn. Do đó, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án quan trọng nhất để kết nối” - TS Hiệp phân tích.
Nhận định đây là dự án cao tốc trục ngang quan trọng của miền Tây nhưng TS Hiệp cho rằng cơ quan chức năng cần lưu ý việc đầu tư, lựa chọn phân kỳ đầu tư sao cho giao thông kết nối của miền Tây được đồng bộ.
““Căn bệnh” giao thông ở ĐBSCL là bài toán đồng bộ. Cụ thể, chúng ta dễ dàng nhận thấy tình trạng cầu chờ đường, đường làm xong thì không kết nối tốt giao thông khu vực, cầu làm xong thì tĩnh không không đảm bảo. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tính toán để từng giai đoạn đầu tư, các dự án kết nối mang tính đồng bộ với nhau” - TS Hiệp góp ý.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng cơ quan đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khu vực Tây Nam bộ, cũng cho rằng chủ trương làm tuyến cao tốc này là hoàn toàn đúng đắn.
Theo ông Mạnh, những năm gần đây, lưu lượng vận tải trên tuyến trục ngang trung tâm ĐBSCL tăng cao nên việc hình thành tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ giúp giao thông khu vực đáp ứng nhu cầu.
Về vấn đề này, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng việc nghiên cứu tiền khả thi là một công tác chuẩn bị tốt, cần thiết và rất quan trọng của dự án này.
“Việc nghiên cứu khả thi sẽ giúp cho các cơ quan chức năng hoàn thiện công tác quy hoạch và có các số liệu cụ thể. Tất nhiên, khi hình thành dự án còn nhiều việc phải làm vì còn nhiều thay đổi về mặt đô thị, xã hội…” - ông Hùng nói thêm.
Mang đến nhiều cơ hội giao thương Theo Tổng Công ty Cửu Long, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được xem là tuyến cao tốc trục ngang rất có ý nghĩa với khu vực miền Tây, đồng thời cao tốc cũng sẽ kết nối với Campuchia mang đến nhiều cơ hội giao thương, giao thông tốt hơn cho khu vực. Dự án giai đoạn 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là ưu tiên, trong trường hợp có đủ nguồn vốn, Tổng Công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư đoạn tiếp theo. Cụ thể, giai đoạn tiếp theo sẽ được đầu tư từ quốc lộ 60 đến cảng nước sâu Trần Đề dài 30,62 km trong giai đoạn sau năm 2030 khi cảng nước sâu này được đưa vào hoạt động. |