Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu, ủng hộ về nguyên tắc đối với đề xuất chi 7,5 tỉ USD nhằm phát triển hạ tầng quân sự và tăng hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross.
“Châu Á-Thái Bình Dương là một ưu tiên hàng đầu của Mỹ, và Bộ Quốc phòng cam kết đảm bảo lực lượng Mỹ đủ năng lực và sẵn sàng đối phó với các thách thức trong khu vực” - Wall Street Journal dẫn lời ông Gary Ross.
Hồi tháng 1, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain đề xuất mỗi năm chi 1,5 tỉ USD cho “Sáng kiến vì sự ổn định châu Á-Thái Bình Dương”, trong thời gian từ 2018-2022. Wall Street Journal cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi tháng 4 cũng lên tiếng ủng hộ kế hoạch này.
Theo ông Mattis, kế hoạch này sẽ “giúp tăng cường sức mạnh quân sự Mỹ thông qua tổ chức lại lực lượng Mỹ ở khu vực, cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự, tăng cường tập trận, tăng sức mạnh liên minh với các đồng minh và đối tác”.
Chủ tịch Ủy ban Quân sự Thượng viện John McCain đề xuất chi 7,5 tỉ đô phát triển hạ tầng quân sự ở châu Á. Ảnh: AP
Tình hình khu vực đang rất căng thẳng quanh các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, mà các nước láng giềng Nhật, Hàn Quốc và các đồng minh xem là mối đe dọa. Vài tháng gần đây Mỹ đã thử một số lượng lớn tên lửa. Phản ứng lại, Mỹ đưa đội tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đến bán đảo Triều Tiên, cũng như vận động không mệt mỏi cộng đồng thế giới gây áp lực với Triều Tiên.
Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, một khu vực khác cũng nóng không kém cần đến sự chú ý của Mỹ, đó là biển Đông. Mỹ nhiều lần chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông. Mới đây Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết chính phủ Trump sẽ khôi phục tuần tra biển Đông vốn đã được thực hiện thường kỳ thời Obama.
Sự kiện Trung Quốc ra mắt tàu sân bay tự đóng đầu tiên lớp 001 tháng trước dẫn tới nhiều nhận định có thể sẽ có sự hoán chuyển cán cân sức mạnh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc được ra mắt tại cảng Đại Liên tháng trước. Ảnh: AP
Tàu sân bay này đi vào hoạt động vào thời điểm 2020-2021. Được trang bị trên tàu là các máy bay chiến đấu J-15 - phiên bản máy bay Su-33 thời Xô Viết, hoặc phiên bản của máy bay chiến đấu J-16. Có thông tin Trung Quốc đang chuẩn bị đóng tàu sân bay thứ ba.
Theo nhiều nhà quan sát, Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn chưa có sự thay đổi vị thế quân sự trong khu vực về tương lai gần, nhưng về dài hạn khả năng này có thể xảy ra.