Tính đến chiều 19-3 (giờ địa phương), tại Mỹ đã có 195 người chết và hơn 13.000 người nhiễm COVID-19, theo số liệu đài CNN thu thập được.
Trước tình hình dịch ngày càng phức tạp và nguy hiểm, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-3 tăng khuyến cáo đi lại với người dân lên mức cao nhất: Mức 4 - không đi lại. Mức khuyến cáo này “khuyên công dân Mỹ tránh mọi cuộc di chuyển quốc tế vì ảnh hưởng toàn cầu của COVID-19”.
Khuyến cáo dân không ra nước ngoài
Theo đó Mỹ cảnh báo công dân trong nước không đi ra nước ngoài, đồng thời đề nghị công dân Mỹ “ở các nước khác mà các phương án đi lại thương mại còn diễn ra thì sắp xếp trở về ngay lập tức, trừ khi họ định ở lại nước ngoài trong thời gia dài chưa xác định”.
Đường phố TP Los Angeles, bang California (Mỹ) vắng vẻ mùa dịch COVID-19, ngày 19-3. Ảnh: AFP
Khuyến cáo của Mỹ cũng khuyên công dân sống ở nước ngoài tránh mọi hình thức di chuyển sang nước khác.
“Rất nhiều nước đang chịu đựng dịch COVID-19 và ban hành các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly kiểm dịch, đóng cửa biên giới, cấm người không phải công dân nhập cảnh mà ít báo trước” - CNN dẫn khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đường phố TP San Francisco, bang California (Mỹ) không bóng người mùa dịch COVID-19, ngày 18-3. Ảnh: AFP
“Các hãng bay đã hủy nhiều chuyến bay quốc tế và nhiều nhà điều hành tàu thuyền du lịch đã ngưng hoạt động hoặc hủy các chuyến đi. Nếu các bạn chọn di chuyển quốc tế, kế hoạch của các bạn có thể bị trở ngại nghiêm trọng và các bạn có thể sẽ bị buộc phải ở lại bên ngoài nước Mỹ chưa biết bao lâu” - Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo.
Mỹ lo lắng điều gì?
Tuần trước Bộ Ngoại giao Mỹ ra khuyến cáo đi lại Mức 3 - cân nhắc đi lại với công dân vì “ảnh hưởng toàn cầu của COVID-19”.
Một nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài cho biết một lý do khiến Mỹ cân nhắc đến việc tăng cảnh báo đi lại với công dân lên mức 4 là vì khả năng hỗ trợ công dân, thực hiện các dịch vụ lãnh sự của đại sứ quán Mỹ ở các nước ngày càng bị hạn chế, trong bối cảnh dịch khiến các đại sứ quán phải cắt bớt nhân viên về nước.
Lác đác người ra bãi biển Santa Monica, bang California (Mỹ) ngày 17-3. Ảnh: GT
Có nhiều lý do khiến Mỹ phải đưa bớt nhân viên ngoại giao về nước, theo nhà ngoại giao này, và một trong số đó là về khả năng y tế khắp toàn cầu. Đây là yếu tố theo chốt ảnh hưởng đến quyết định có ở lại hay không của các nhân viên ngoại giao. Hiện các đại sứ quán Mỹ đang quan sát kỹ năng lực điều trị của nước mình đặt đại sứ quán, nhà ngoại giao này cho biết.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ đạo mọi cơ sở ngoại giao hoặc lãnh sự Mỹ trên thế giới cho nhân viên và người thân nhân viên có rủi ro cao về sức khỏe nếu mắc COVID-19 trở về nước.
Nỗ lực đưa dân từ nước ngoài trở về
Theo CNN, hiện hàng trăm người Mỹ đang ở nước ngoài, trong đó có các nước đã hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới để kiềm chế dịch bệnh. Nhiều người bị mắc kẹt và đang cố gắng tìm sự giúp đỡ từ Bộ Ngoại giao Mỹ để về nước.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhân viên Bộ đang làm việc ngày đêm để hỗ trợ dân ở nước ngoài. Các nhà ngoại giao Mỹ ở các nước cũng cho biết đang nỗ lực hết sức nhưng vấn đề là lượng nhân viên sứ quán bị cắt giảm khiến công việc khó khăn nhiều.
Thầy giáo Collin Reichert (trái), người Mỹ, cùng gia đình trong một lần du lịch đến Peru trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Vợ chồng thầy giáo Reichert sang Peru công tác tuần trước và không về được vì nước này cấm bay chống dịch COVID-19. Ảnh: COLLIN REICHERT
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19-3 nói ông đã nghe về tình trạng một nhóm người Mỹ ở Peru và cho biết phái bộ ngoại giao Mỹ ở nước này đang nỗ lực để đưa công dân về nước.
“Chúng tôi đang cố đưa họ về. Và, bạn biết đấy, họ bị kẹt. Họ bị trễ chuyến bay… Chúng tôi đang cân nhắc đưa họ về bằng quân sự, có thể thông qua quân đội” - ông Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
CNN dẫn hai nguồn tin quốc phòng cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ tới thời điểm này chưa nhận yêu cầu từ Bộ Ngoại giao Mỹ để xúc tiến các chuyến bay đưa công dân Mỹ bị kẹt ở các nước trở về.
Một nhóm sinh viên Mỹ đang bị kẹt ở Peru vì nước này cấm bay chống dịch COVID-19. Ảnh do sinh viên LUCAS HU (thứ ba từ trái sang) cung cấp
Ngày 17-3, một nhóm thượng nghị sĩ viết thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng họ đặc biệt lo lắng về việc ngày càng có nhiều thông tin rằng người Mỹ không thể rời các khu vực bị COVID-19 ảnh hưởng và trở về nhà.
Tối cùng ngày, ông Pompeo nói Bộ Ngoại giao “sẽ làm tất cả để bảo vệ công dân Mỹ khắp thế giới”.
“Chúng tôi biết về trường hợp các sinh viên ở Peru, cũng như một số người đi du lịch đến đó. Cũng có một số nước khác, những nước này đã đóng cửa sân bay. Chúng ta đang cố gắng giải quyết vấn đề cho mỗi công dân Mỹ. Chúng tôi chỉ mới nghe về họ hai ngày trước, chúng tôi sẽ cần một thời gian. Nhưng các bạn cần thiết Tổng thống Trump đã nói rõ là chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đưa mọi người Mỹ về nhà an toàn” - ông Pompeo nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN.
Vì dịch COVID-19, ngày 18-3 Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo ngưng dịch vụ cấp thị thực ở một lượng lớn quốc gia. Theo thông tin từ trang web Đại sứ quán Mỹ ở Hàn Quốc thì Mỹ ngưng thị thực cho công dân các nước nằm trong danh sách khuyến cáo đi lại mức 2, 3, và 4. Việt Nam nằm trong danh sách mức 1. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, cảnh báo đi lại mức 4 - không đi lại thường rất hiếm khi được Mỹ viện tới, chỉ áp dụng với một số ít nước như Syria, Iran, Yemen, Triều Tiên. Tuy nhiên, với diễn biến COVID-19 lan rộng toàn cầu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng cảnh báo mức 4 này tới một số nước có dịch lớn (như Trung Quốc, Mông Cổ...) cũng như một số khu vực (như châu Âu). |