Mỹ không tham gia sáng kiến thuốc, vaccine COVID-19 của WHO

Ngày 24-4, lãnh đạo một số quốc gia trên thế giới đã tham dự một hội nghị với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm, phát triển thuốc, vaccine ngừa COVID-19 cũng như chia sẻ chúng trên toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ lại không tham gia khởi động sáng kiến trên từ WHO, theo hãng tin Reuters.

Lãnh đạo ba nước Đức, Pháp và Nam Phi là những nhân vật chủ chốt của hội nghị trên. Ngoài ra còn có sự tham dự của lãnh đạo các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ và vùng Trung Đông, ngoại trừ các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Theo thông báo của WHO, hội nghị này nhằm xúc tiến "sự hợp tác mang tính bước ngoặt” để chiến đấu với đại dịch COVID-19.

Thêm nữa, WHO nói rằng mục đích của sáng kiến là để tăng tốc độ phát triển các loại thuốc, vaccine và xét nghiệm an toàn và hiệu quả nhằm chẩn đoán và ngăn ngừa COVID-19.

“Chúng ta đang đối mặt với một mối đe dọa chung mà điều đó chỉ được đánh bại khi chúng ta có một sự tiếp cận chung” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu mở màn phiên họp trực tuyến này.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. ẢNh: REUTERS

Ông Tedros nói thêm rằng: “Kinh nghiệm cho chúng ta cho thấy dù có đủ mọi dụng cụ, vật tư cần thiết nhưng vẫn không đủ cung cấp cho tất cả mọi người. Chúng ta sẽ không cho phép điều đó lặp lại nữa”.

Sở dĩ người đứng đầu WHO nói như vậy bởi lẽ trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, đã xuất hiện rất nhiều chỉ trích liên quan đến việc không công bằng trong phân phối vaccine toàn thế giới vì các nước giàu đã mua nhiều hơn hẳn.

Mỹ nhất quyết không tham gia vào sáng kiến của WHO

Ngày 24-4, phát ngôn viên của phải đoàn Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) nói rằng nước này sẽ không tham gia vào sáng kiến trên của WHO, theo Reuters.

“Nước Mỹ sẽ không tham gia chính thức vào sáng kiến trên. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về sáng kiến để hỗ trợ với quốc tế trong phát triển vaccine ngừa COVID-19 càng nhanh càng tốt” – phái đoàn Mỹ cho biết.

Dù không tham gia hội nghị cũng như không ủng hộ sáng kiến trên, Mỹ vẫn tiếp tục quyết tâm dẫn đầu thế giới trong giải quyết các vấn đề y tế toàn cầu.

“Chúng tôi vẫn quan tâm sâu sắc đến hiệu quả công việc của WHO bởi những thất bại ban đầu của họ đã giúp thực đẩy mọi nỗ lực chiến đấu với đại dịch” – phát ngôn viên Mỹ nói với Reuters.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng WHO quá chậm chạp khi phản ứng trước sự bùng phát đại dịch, đối xử “thiên vị” Trung Quốc và tuyên bố ngừng tài trợ cho tổ chức này.

Châu Âu và Nam Phi hết mình ủng hộ WHO

Trong khi đó, lãnh đạo các nước Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Nam Phi đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến trên của WHO.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự hội nghị trực tuyến với WHO hôm 24-4. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tất cả các nước G7 (bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới) và G20 (19 nền kinh tế phát triển và  Liên minh châu Âu EU) hãy ủng hộ sáng kiến này.

 “Tôi hy vọng chúng ta tìm cách đưa sáng kiến này với cả Trung Quốc và Mỹ bởi vì chống COVID-19 là trận chiến chung vì sức khỏe con người và không nên có sự phân biệt, chia rẽ nhằm giành chiến thắng trong cuộc chiến này” – ông Macron nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định: “Đây là một lợi ích chung của toàn cầu để cùng sản xuất vaccine và phân phối chúng đến tất cả mọi nơi trên thế giới”.

Đặc biệt, Tổng thống Nam Phi đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi Cyril Ramaphosa nói rằng với lục địa này với điều kiện chăm sóc sức khỏe còn yếu kém, rất dễ tổn thương do dịch bệnh, cho nên “rất cần có sự hỗ trợ”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng mục tiêu của nỗ lực cam kết toàn cầu là đến ngày 4-5 tới sẽ tăng 7,5 tỉ euro (gần 8,1 tỉ USD) để đẩy mạnh công tác phóng ngừa, chẩn đoán và điều trị COVID-19.

“Đây chỉ là bước đầu tiên, chúng ta còn cần nhiều bước đi khác nữa trong tương lai” – bà von der Leyen nói.

Dòng Twitter của Gavi, The Vaccine Alliance nói rằng sẽ tham gia phối hợp với các tổ chức quốc tế phát triển vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: TWITTER

Hiện tại, theo ông Seth Berkley - Giám đốc điều hành của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (Gavi, The Vaccine Alliance), hơn 100 loại vaccine tiềm năng đăng được phát triển.

Ông Berkley nói rằng điều rất quan trọng lúc này là tránh lặp lại sai lầm như khi phân phối vaccine phòng ngừa H1N1 hồi năm 2009.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm