Tính đến 7 giờ 40 sáng 25-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 196.735 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 2.820.949 ca nhiễm.
Một phụ nữ đang chụp lại bức chân dung một nữ bác sĩ được vẽ trên bức tường ở đường Brick Lane, thủ đô London (Anh) vào ngày 23-4. Ảnh: GETTY IMAGES
Như vậy, so với tối qua, số ca tử vong tăng 4.713 ca, số ca nhiễm tăng 72.823 ca. Hiện đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 779.774 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 22.140 người so với số liệu tối qua.
Mỹ đã mất gần 52.000 người
Đến sáng 25-4 (giờ Việt Nam), số người chết vì dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ đã lên đến 51.865 người, tăng gấp đôi chỉ sau 10 ngày. Số ca nhiễm của nước này tính đến hiện tại là 917.347, tăng thêm 30.905 ca chỉ sau 24 giờ.
Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng tiểu bang Georgia, Oklahoma và một số tiểu bang khác đã thực hiện những bước đầu tiên mở cửa lại nền kinh tế vào hôm 24-4, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia y tế, theo hãng tin Reuters.
Thống đốc bang Georgia - ông Brian Kemp đã cho mở cửa lại phòng tập thể dục, tiệm làm tóc, tiệm xăm hình và một số doanh nghiệp khác, bỏ qua lời cảnh báo từ các quan chức y tế rằng điều này sẽ khiến cho số ca nhiễm và tử vong tăng trở lại.
Một số cửa hàng tại đây cũng đã bắt đầu mở cửa nhưng có duy trì khoảng cách tối thiểu và áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng cửa vì lo ngại dịch bệnh.
Người dân bang Georgia đi gội đầu, làm tóc khi chính quyền cho phép các doanh nghiệp này hoạt động trở lại. Ảnh: REUTERS
Anh Shay Cannon, chủ sở hữu tiệm xăm hình Liberty Tattoo ở thành phố Atlanta (bang Georgia), cho biết anh sẽ mở cửa trở lại vào tháng 5. Tuy nhiên, trước mắt anh chỉ nhận khách đặt lịch hẹn và chỉ mở cửa bình thường trở lại vào tháng 6 hoặc đến khi tình hình dịch bệnh ổn hơn.
“Chúng tôi sẽ theo dõi diễn biến dịch bệnh và tự đưa ra quyết định của mình” - anh Cannon nói với Reuters.
Tiểu bang Oklahoma cũng đã cho phép một số doanh nghiệp bán lẻ mở cửa lại vào ngày 24-4. Tại bang Florida, mọi người đã bắt đầu được phép đến các bãi biển từ ngày 17-4. Tiểu bang South Carolina cho biết sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế từ 27-4 và một số tiểu bang khác sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc nới lỏng phong tỏa vào tuần tới.
Ý: 10% số ca nhiễm là các nhân viên y tế
Có ít nhất 150 bác sĩ của Ý đã tử vong vì COVID-19, Hiệp hội Bác sĩ Ý cho biết hôm 24-4. Theo tổ chức này, trong số 192.994 trường hợp nhiễm bệnh ở Ý, có 10% là nhân viên y tế, theo đài CNN.
Nhóm chăm sóc sức khỏe Ý - tổ chức ANAAO đã lên tiếng chỉ trích rằng hệ thống y tế nước này không đủ tốt và cho rằng gói cứu trợ 25 tỉ euro trong nghị định Cura Italia là điều đáng thất vọng.
"Khoản hỗ trợ này không đủ để trả tiền làm thêm giờ cho nhân viên y tế từ tháng 2 đến tháng 3 vừa qua chứ đừng nói nến việc trả cho tinh thần làm việc và sự hy sinh của họ để chống chọi với đại dịch” - tổ chức ANAAO cho biết.
Ý hiện là quốc gia có số người chết nhiều thứ hai thế giới với 25.969 người, tăng thêm 420 người chết trong ngày 24-4.
Nạn bạo hành gia đình tăng cao ở Anh
Cảnh sát thủ đô London (Anh) hôm 24-4 thông báo rằng họ đã bắt giữ hơn 4.000 đối tượng phạm tội bạo hành gia đình kể từ khi nước này đặt ra các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Các sĩ quan cảnh sát tuần tra trên những con đường vắng vẻ ở London vào ngày 16-4. Ảnh: AFP
“Giãn cách xã hội buộc người dân ở nhà đã giúp kìm hãm sự lây lan COVID-19, nhưng cũng không may là nó khiến các nạn nhân bị bạo hành gia đình dễ bị tổn thương và bị cô lập nhiều hơn” - nữ cảnh sát Sue Williams cho biết.
Nữ cảnh sát cũng khuyến cáo thêm rằng các nạn nhân yên tâm là họ có thể rời khỏi nhà để chạy trốn hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ mà không bị phạt vì không tuân thủ giãn cách xã hội. Cô Sue nhấn mạnh rằng chính quyền sẽ bảo vệ người bị hại và đưa những kẻ phạm tội ra công lý.
Chính phủ Anh cho biết họ đang tiến hành thử nghiệm việc phát thuốc và thiết bị y tế bằng máy bay không người lái, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cho biết tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 hôm 24-4.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch dùng máy bay không người lái để thực hiện vận chuyển hàng ở Anh từ trước và khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ, điều này có thể sẽ được tiến hành sớm hơn” - ông Grant Shapps cho biết.
Theo ông Shapps, các thử nghiệm sẽ bắt đầu vào tuần tới. Máy bay không người lái sẽ có nhiệm vụ mang thiết bị y tế đến BV St Mary trên đảo Wight, ngoài khơi bờ biển phía nam của Anh.
Các nhà lãnh đạo khối liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý thành lập một quỹ để huy động một khoản ít nhất 1.000 tỉ euro (tương đương với 1.100 tỉ USD) để xây dựng lại nền kinh tế khu vực đã bị tàn phá vì đại dịch COVID-19, theo đài CNN.
"Quỹ này sẽ đủ lớn, nhằm hỗ trợ cho các khu vực ở châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất vì dịch bệnh, để giúp họ đối phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có này” - các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU cho biết trong một cuộc họp trực tuyến ngày 25-4.
Trước đó, các nhà lãnh đạo EU cũng đã ký thông qua một gói giải cứu tức thời có trị giá 500 tỉ euro (tương đương 541 tỉ USD) để trang trải các chi phí liên quan trực tiếp và phi trực tiếp đến đại dịch COVID-19; chấp thuận sáng kiến của Ngân hàng Đầu tư châu Âu về việc hỗ trợ tài chính 200 tỉ euro cho các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại EU; và 100 tỉ euro giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp tại các quốc gia thành viên.