Mỹ đang hy vọng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) sẽ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran trước khi lệnh cấm hết hạn vào tháng 10 tới, trong khi đó phía Nga có dấu hiệu phản đối, theo hãng tin Reuters.
Ông Brian Hook - Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran cho biết Washington đã soạn thảo một nghị quyết để trình lên HĐBA về việc gia hạn cấm vận vũ khí đối với Tehran. Theo đó, nghị quyết sẽ được phê chuẩn nếu có sự đồng thuận của ít nhất chín phiếu ủng hộ trong HĐBA và không có sự bác bỏ nào của năm thành viên thường trực là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp.
Mỹ sẽ thực hiện bằng con đường ngoại giao để có được nghị quyết này
Một số nhà ngoại giao cho hay Mỹ sẽ đấu tranh quyết liệt để giành được sự ủng hộ cho nghị quyết này từ Nga và Trung Quốc - hai đồng minh của Iran.
Tuy nhiên, ông Hook không tán thành với suy nghĩ trên: “Chúng tôi vẫn đang hy vọng. Nga và Trung Quốc đều phải có sự công bằng trong tiến trình hòa bình và ổn định của khu vực Trung Đông. Chính sự bạo lực mang tính phe phái và xuất khẩu vũ khí của Iran mới là nguyên nhân chính gây bất ổn ở Trung Đông hiện nay”.
Ông Hook cũng thông tin thêm rằng Washington không có ý định hành động nhanh chóng quyết liệt để thúc đẩy kéo dài lệnh cấm vận vũ khí với Tehran.
“Chúng tôi tập trung vào các chính sách ngoại giao chu đáo và kỹ càng với các bên để đạt được thỏa thuận tốt nhất nhằm hoàn thành việc kéo dài cấm vận vũ khí đối với Iran. Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc này” - ông Hook nhấn mạnh.
Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran - ông Brian Hook. Ảnh: REUTERS
Một nguồn tin nói với Reuters rằng Mỹ đã chia sẻ chiến lược và bản dự thảo cấm vận vũ khí cho Anh, Pháp và Đức. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại trong HĐBA kể cả Nga và Trung Quốc vẫn chưa có thông tin gì về bản dự thảo này.
Reuters còn cho hay Mỹ sẽ kích hoạt một chiến dịch gọi là “snapback”, tức chiến dịch tổng hợp toàn bộ các cấm vận của LHQ đối với Iran, bằng việc sử dụng một quy trình được nêu trong Thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA) để ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Thêm vào đó, nguồn tin khác nói rằng Mỹ có thể có một phương án dự phòng để kích hoạt tất cả lệnh cấm vận khác của LHQ đối với Iran nếu vận động gia hạn lệnh cấm vũ khí thất bại.
Ông Hook từ chối đưa ra bình luận về việc này và chỉ nói rằng: “Cấm vận vũ khí đối với phải được kéo dài và Mỹ sẽ chỉ tiến hành tất cả cách thức ngoại giao để đạt được điều đó”.
Chính phủ cần nhanh chóng có hành động với vấn đề Iran
Reuters dẫn nguồn tin từ Quốc hội Mỹ rằng gần 90% nghị sĩ tại Hạ viện đã đồng loạt ký tên vào một bức thư kêu gọi chính phủ của Tổng thống Donald Trump phải đẩy mạnh hoạt động ngoại giao tại LHQ để kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.
“Lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran sẽ hết hạn vào tháng 10 và chúng tôi lo ngại một khi lệnh cấm này hết hạn, rất nhiều quốc gia sẽ trao đổi, mua báo vũ khí với Iran” - Reuters dẫn một phần trong bức thư trên.
Bức thư tiếp tục: “Chúng tôi kêu gọi hợp tác với các đồng minh và các đối tác, nhất là phải có nghị quyết của LHQ để mở rộng các điều khoản ngăn Iran mua bán vũ khí, cũng như phải có chế tài xử phạt nếu vi phạm lệnh cấm trên”.
Một bức thư từ Hạ viện kêu gọi chính phủ Tổng thống Trump cần đẩy mạnh hoạt động ngoại giao để kéo dài cấm vận vũ khí với Iran. Ảnh: REUTERS
Reuters nói rằng bức thư trên do Nghị sĩ Eliot Engel - Chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Nghị sĩ Mike McCaul - thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa trong ủy ban trên chấp bút.
Các trợ lý của Quốc hội cho biết vẫn đang tiếp tục thu thập chữ ký vào bức thư trên để gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ, theo Reuters.
Nga phản đối mọi động thái từ Mỹ
Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Viena (Áo) - ông Mikhail Ulyanov nói với báo giới Nga rằng Moscow phản đối động thái kêu gọi gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran.
Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Viena (Áo) Mikhail Ulyanov bày tỏ phản đối các động thái kêu gọi kéo dài cấm vận vũ khí với Iran. Ảnh: SPUTNIK
“Mỹ nhận thức rõ chúng tôi sẽ có thái độ phản đối về bước đi này. Mỹ vẫn đang cho thấy họ sẽ có những lựa chọn dự phòng nếu Nga không thông qua” - ông Ulyanov nói.