Nấm Candida : Những bệnh thường gặp

Nấm Candida thường gây bệnh ở da và niêm mạc, dưới dạng nấm miệng, viêm âm hộ, âm đạo, viêm quanh móng...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bệnh ở niêm mạc

Nấm Candida gây bệnh ở niêm mạc miệng, dân gian hay gọi là bệnh đẹn (tưa). Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh (4 - 5%), trẻ nhũ nhi suy dinh dưỡng, trẻ rối loạn tiêu hóa, người suy kiệt, người già yếu (10%), người lạm dụng kháng sinh.

Bên cạnh đó, thiếu riboflavin cũng là một yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển.

Bệnh cũng thường gặp ở người tổn thương miễn dịch do đái tháo đường, ung thư máu, lymphoma, chứng giảm bạch cầu hạt và HIV/AIDS.

Viêm âm đạo - âm hộ do Candida là bệnh rất thường gặp ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, đặc biệt ở phụ nữ có thai (nhất là 3 tháng cuối), đái tháo đường hoặc đang dùng kháng sinh phổ rộng. Hoạt động tình dục thường xuyên, thuốc ngừa thai là các yếu tố có thể góp phần vào làm bệnh phát triển ra vùng hội âm, âm môn và hạ bộ.

Viêm bao quy đầu với các triệu chứng gồm: viêm đỏ, ngứa, có bóng nước nhỏ hoặc bọc mủ ở đầu dương vật hay bao qui đầu. Thể bệnh này hay gặp ở những người không cắt bao qui đầu và không giữ vệ sinh sau khi hoạt động tình dục. Vi nấm gây bệnh chủ yếu là Candida albicans, đôi khi có thể là Candida tropicals, Candida krusei, Candida stellatoidea ...

Viêm hậu môn và quanh hậu môn thường là biến chứng của đái tháo đường, lạm dụng kháng sinh hoặc thuốc kháng viêm có chứa corticoides. Bệnh nhân bị ngứa hậu môn, phần da non quanh hậu môn bị viêm đỏ, gần đó có thể có các sang thương nhỏ hoặc các vết trầy xước do gãi.

Bệnh ở da và cơ quan phụ cận

Viêm da do vi nấm Candida thường gặp ở những người có tiếp xúc với các yếu tố gây ẩm ướt da (đổ mồ hôi, nhúng tay, chân vào nước thường xuyên...). Sự ẩm ướt, nhiệt độ, sự cọ sát và rữa nát da là các yếu tố nguy cơ chính.

Sang thương chủ yếu xuất hiện và phát triển ở vùng da xếp nếp như bẹn, giữa 2 mông, nách, rốn, dưới 2 vú. Da bị viêm thành mảng to, màu đỏ, ẩm, có rỉ nước vàng, ngứa; gần đó có các sang thương con, kích thước nhỏ và không đồng đều. Ở da kẽ tay, kẽ chân..., phần thượng bì hoại tử, màu trắng, mục nát, dễ vỡ khi lấy đầu mũi dao cạo nhẹ, để lộ phần da non màu đỏ ở dưới.

Viêm da do tã lót (diaper dermatitis) rất phổ biến ở trẻ không được giữ vệ sinh, tã ướt không được thay, kích thích da do ammoniac và sự rữa nát da đưa đến sự phát triển vi nấm. Da vùng hạ bộ bị sưng đỏ, lở thành mảng với những bọc mủ vệ tinh.

Viêm da hạt (granulome moniliasique) xảy ra ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch, sang thương nổi hạt thường ở mặt, kéo dài lâu ngày.

Viêm móng và quanh móng là bệnh mang tính chất nghề nghiệp. Bệnh nhân thường là những người hay nhúng tay, chân vào nước, nhất là các loại nước có đường hay tinh bột (bán nước uống, bán rau, bán trái cây, bán cá, nhân viên cửa hàng ăn uống...). Sự ẩm ướt, rữa nát, chấn thương và giảm vi tuần hoàn ở đầu ngón là những yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển.

Sau vài tháng nhúng vào nước như thế, phần mềm ở gốc móng sưng đỏ, đau, chảy nước vàng hay chảy mủ. Móng dần dần trở nên đục, bề mặt nâu nhạt và lồi lõm. Móng bị hỏng là vì sự chuyển hóa sinh móng bị xáo trộn.

Bệnh ở nội tạng

Viêm nội tâm mạc là bệnh ít gặp, để có thể xảy ra, phải có 3 yếu tố: (1) bệnh nhân có bệnh van tim từ trước; (2) đang sử dụng kháng sinh; (3) Có kẽ hở cho Candida spp.

Candida xâm nhập vào máu trong trường hợp truyền dịch dài ngày, giải phẫu tim hay đường tiêu hóa... Triệu chứng rất giống bệnh do vi khuẩn (sốt không rõ nguyên nhân...) nhưng ít biến chứng thuyên tắc (embolie) hơn.

Bệnh ở đường hô hấp có thể là bệnh nguyên phát hoặc có thể nhiễm cùng trên một bệnh có sẵn ở phổi như viêm phế quản, phế quản - phế viêm... hoặc cũng có thể là một bệnh Candida spp. lan tỏa khi sử dụng kháng sinh, corticoides hay thuốc ức chế miễn dịch. Biểu hiện lâm sàng rất giống các bệnh mạn tính khác ở phổi. Chẩn đoán dựa trên sinh thiết và điều trị thử thuốc kháng nâm.

Candida gây bệnh ở đường tiểu như viêm bể thận, viêm bàng quang có thể xảy ra trong quá trình bệnh nhân bị Candida lan tỏa. Triệu chứng giống bệnh do vi khuẩn, cấy nước tiểu thấy có hơn 1000 tế bào Candida/ml. Nếu không can thiệp, mô thận có thể bị tổn thương, chức năng thận biến đổi.

Bệnh nhiễm Candida spp. xâm lấn: Bệnh ít khi xảy ra, nhưng có thể gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, ung thư máu, người dùng kháng sinh, corticoides, thuốc ức chế miễn dịch lâu ngày, và đang giải phẫu tạo kẽ hở cho vi nấm xâm nhập vào máu. Giai đoạn đầu là nhiễm trùng huyế, sau đó vi nấm xâm nhập một lúc nhiều cơ quan, gây viêm màng não, viêm thận, viêm nội mạc cơ tim, viêm phổi, viêm võng mạc... v.v... Bệnh rất nặng và thường đưa đến tử vong.

Cách phòng chống nhiễm nấm Candida spp:

Hầu hết mọi người đều có nấm ở trên bề mặt niêm mạc và nó chỉ gây bệnh nếu hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu. Để phòng bệnh do vi nấm Candida spp gây ra cần đảm bảo tình trạng sức khỏe thông qua lối sống và ăn uống lành mạnh nhằm tăng cường miễn dịch:

Nên sử dụng các nhóm thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng, ăn đa dạng các loại thực phẩm: chất đạm, tinh bột, protein, chất xơ...

Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, ngoài nước lọc tinh khiết có thể uống sữa, nước ép trái cây...Tăng cường chế độ ăn giàu vitamin C.

Vệ sinh răng miệng tốt, súc miệng với nước muối để sát khuẩn, làm sạch khoang miệng và họng.

Tập luyện thể dục đều đặn, sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, không sử dụng các chất kích thích.

Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân với người bị bệnh.

(Nguồn: Võ Tuấn Linh – HCDC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm