Ngày 27-4, hai cơ quan không gian hàng đầu đã ký kết hợp tác trong việc nghiên cứu cách thức mang mẫu đất đá từ Hành tinh Đỏ về Trái đất để phục vụ các nghiên cứu trong tương lai.
Sao Hỏa đang còn rất nhiều bí ẩn chờ đợi các nhà khoa học giải đáp. Ảnh: Getty Image
Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng. Nó không chỉ đòi hỏi ít nhất ba công đoạn, bao gồm việc phóng tàu Mars Rover của NASA lên sao Hỏa, lấy mẫu đất, đá trên sao Hỏa và cuối cùng là phóng một tên lửa từ bề mặt sao Hỏa về Trái đất. Đây là việc chưa từng được thử nghiệm trước đây.
Cụ thể, phần đầu tiên của sứ mệnh đang được triển khai. Tàu thăm dò mang tên Mars Rover 2020 sẽ đổ bộ xuống Hành tinh Đỏ vào đầu năm 2021. Với một máy khoan mang theo, nó sẽ thu thập mẫu đất và lưu trữ chúng vào khoang chứa.
Bước tiếp theo là phóng đi một tàu vũ trụ thứ hai vào tháng 10 hoặc tháng 11-2026. Nó sẽ đến quỹ đạo Hành tinh Đỏ vào tháng 8-2027.
Tận dụng cơ hội Trái đất và sao Hỏa ở vị trí thẳng hàng, tàu này sẽ kết nối với khoang chứa mẫu đất được phóng lên từ bề mặt sao Hỏa và mang chúng về Trái đất. Theo dự kiến, nó sẽ quay trở lại địa cầu chậm nhất tháng 9-2029.
Tàu Mars Rover sẽ được NASA phóng đi vào năm 2020 để thăm dò sao Hỏa. Ảnh: PA
Nhiệm vụ cốt lõi là làm cách nào để có thể cất cánh từ một hành tinh khác, bởi nó cần một lực đẩy rất lớn. “Nhiệm vụ này đi thẳng vào một trong những vấn đề cốt lõi, đó là làm thế nào để hạ cánh và cất cánh từ một hành tinh” - Thomas Zurbuchen, nhà quản lý khoa học của NASA, cho hay.
Tuy nhiên, nếu sứ mệnh này thành công sẽ mở ra cho chúng ta một bước tiến mới trong việc nghiên cứu Hành tinh Đỏ và quyết định xem nó có thể là hành tinh có sự sống mà loài người đang tìm kiếm hay không.