Chiều 18-5, trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra các Hội thảo chuyên đề.
Tại đây, các đại biểu tham dự được nghe nhiều tham luận về kết quả triển khai chuyển đổi số tại các địa phương.
Tại Hội thảo Giải pháp Chuyển đổi số thúc đẩy chính quyền số, hành chính công và đô thị thông minh, TS Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng đã trình bày về mô hình, kết quả triển khai chính quyền số tại địa phương.
TS Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết hiện tất cả thủ tục hành chính ở TP Đà Nẵng đủ điều kiện được cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức 4. Ảnh: THÀNH THẬT |
Theo TS Thanh, hiện tất cả thủ tục hành chính ở TP Đà Nẵng đủ điều kiện được cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức 4. TP cũng đang có 1.656 dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia và trong top năm địa phương dẫn đầu.
Đến nay, TP Đà Nẵng đã sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, doanh nghiệp, dân cư để thay thế thành phần hồ sơ người dân, doanh nghiệp phải nộp. Ngoài ra, TP cũng triển khai cung cấp trực tuyến năm dịch vụ sự nghiệp công và 23 thủ tục ngoài một cửa.
Năm 2022, Đà Nẵng có 96% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ (vượt chỉ tiêu TP đặt ra 11%, vượt chỉ tiêu quốc gia 16%).
Đà Nẵng cũng đã triển khai một số ứng dụng chính quyền số, TP thông minh, như: Hệ thống theo dõi công việc lãnh đạo UBND TP giao; Hệ thống lấy ý kiến thành viên UBND TP; Hệ thống giám sát đỗ xe thông minh, Ứng dụng giám sát hành trình xe rác, xe cứu hỏa, xe cứu thương...
Đối với Hệ thống giám sát đỗ xe thông minh, từ khi triển khai hồi tháng 11-2021 đến nay, TP đã tích hợp tám camera giao thông, 25 bãi đỗ xe và 73 tuyến đường cấm đỗ xe. Qua đó, phát hiện gần 27.500 trường hợp vi phạm.
Từ kết quả bước đầu, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng đề nghị Bộ TT&TT tham mưu Chính phủ thành lập Văn phòng Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số (tương tự Văn phòng điều phối nông thôn mới). Trong đó, không sử dụng bộ máy của cơ quan chuyên trách để bổ sung thêm nguồn lực triển khai.
Cạnh đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, như: dân cư, đất đai... Đồng thời, chia sẻ cho các địa phương khai thác, sử dụng, nhất là các dữ liệu do địa phương thu thập.
Tạo lập trên hệ thống của quốc gia, nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp.
Tại các Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về kết quả, lợi ích trong chuyển đổi số ở các địa phương. Ảnh: THÀNH THẬT |
Tại Hội thảo Giải pháp Chuyển đổi số nâng cao công tác quản lý cơ sở y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang đã có tham luận về kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử (EMR). Theo đó, đề án bệnh án điện tử được đơn vị thí điểm triển khai hồi năm 2018 và chính thức sử dụng vào tháng 10-2019.
Từ khi đưa vào ứng dụng bệnh án điện tử đến nay, ngoài việc không in hồ sơ giấy, đề án còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Cụ thể, các nhân viên y tế có thể dễ dàng truy truy cập hệ thống PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) trực tiếp để xem kết quả trên bệnh án của mỗi bệnh nhân. Từ đó, có thể kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân khi ở ngoài bệnh viện và hỗ trợ công tác hội chẩn từ xa.
Thông tin điều trị của bệnh nhân đã đến bệnh viện điều trị cũng có thể được truy cập trực tiếp từ giao diện bệnh án. Hồ sơ cũng được đóng gói và “bảo mật tuyệt đối” theo Luật Khám chữa bệnh. Lãnh đạo bệnh viện cũng dễ dàng quản lý được tất cả hoạt động của đơn vị và có thể chỉ đạo từ xa thông qua phần mềm bệnh án điện tử.
Tại Hội thảo Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) thông tin hiện có khoảng 20 địa phương đã và đang xây dựng đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, có 59 tỉnh, TP đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; 39 tỉnh, TP đã ban hành Nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.