Việc lây nhiễm dịch COVID-19 ở Indonesia, quốc gia có dân số hơn 250 triệu dân, có thể sẽ gia tăng theo cấp số nhân nếu chính phủ nước này không nỗ lực ngăn chặn sự lây lan, theo kênh Channel News Asia.
Từ dữ liệu được thu thập từ ngày 2-3 đến nay có thể thấy mức độ lây lan dịch bệnh ở nước này tương tự Ý và Iran. Nếu cơ chế lây lan không được kìm hãm, chỉ đến cuối tháng 4, số người nhiễm COVID-19 ở nước này có thể lên đến 11.000 người và thậm chí đến 71.000 người.
Ca nhiễm tăng cấp số nhân 622 lần sau chưa đầy một tháng
Tổng thống Joko Widodo tuyên bố hai trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên của Indonesia vào ngày 2-3. Chỉ trong vài tuần, con số này đã gia tăng chóng mặt. Tính đến ngày 29-3, tổng số ca nhiễm trên toàn quốc gia này là 1.245 ca, tăng 622 lần so với số trường hợp ngày đầu tiên được công bố. Chưa kể, hiện vẫn còn rất nhiều ca nhiễm bệnh trong cộng đồng chưa được phát hiện.
Một phụ nữ đi ngang qua một bức tranh tường kêu gọi người dân chiến đấu chống lại sự bùng phát dịch COVID-19, ở Surabaya (Indonesia). Ảnh: AFP
Theo Channel News Asia, nhìn chung, một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm có bốn giai đoạn: Giai đoạn trì hoãn (lây lan tốc độ chậm), giai đoạn tăng theo cấp số nhân, giai đoạn chững lại và giai đoạn suy giảm.
Những giai đoạn kể trên đều được thể hiện rõ khi dịch bệnh bùng phát ở các nước như Iran, Hàn Quốc, hay ở Ý. Ban đầu khi chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp nhỏ lẻ, chính quyền nước sở tại chưa có biện pháp xử lý kịp thời. Đến giai đoạn ủ bệnh, virus bắt đầu lây lan từ người sang người và khiến ca nhiễm tăng nhanh theo cấp số nhân.
Ngay lúc này, các cơ quan chức năng mới bắt đầu hoảng loạn và bắt tay vào hành động để kiểm soát tình hình nhưng hệ thống y tế lúc này đã bị áp đảo.
Báo động: Cứ 2 ngày số ca nhiễm tăng gấp đôi
Trang web Our World in Data cho thấy tốc độ gia tăng số ca nhiễm của từng quốc gia khác nhau.
Như ở Hàn Quốc, số trường hợp mới tăng gấp đôi cứ sau 13 ngày. Ở Iran và Ý thì sau 5-7 ngày số ca nhiễm tăng gấp đôi. Ở Trung Quốc, quãng thời gian này kéo dài hơn đến tận 33 ngày.
Theo thống kê, Indonesia hiện nay chỉ cần hai ngày số ca nhiễm sẽ tăng gấp đôi, rất đáng báo động. Nếu tình hình gia tăng tiếp tục kéo dài thì chỉ một quãng thời gian ngắn nữa thôi, hệ thống y tế của Indonesia sẽ tê liệt.
Mặc dù số ca nhiễm của Indonesia đến nay chỉ mới gần 1.300 ca nhưng đó mới chỉ là ca nhiễm đã được phát hiện sau khi làm xét nghiệm và xuất hiện triệu chứng bệnh. Trên thực tế, số ca nhiễm vẫn chưa xác định được do bởi quốc gia này vẫn chưa có kế hoạch xét nghiệm hàng loạt như ở Hàn Quốc hay Ý.
Một người đàn ông đeo khẩu trang vào buồng xịt khử trùng bên ngoài trung tâm mua sắm ở thủ đô Jakarta (Indonesia). Ảnh: REUTERS
Trước tình hình đó, chính phủ Indonesia đã đưa ra một kế hoạch khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát thành thảm họa. Kế hoạch này dự kiến kéo dài đến ngày 29-5.
Cụ thể, kể từ ngày 20-3, chính phủ sẽ cho xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng ở Nam Jakarta và ra quyết đinh chuyển đổi bốn tòa tháp ở làng vận động viên Kemayoran ở Jakarta thành một bệnh viện dã chiến mới để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.
Việc xét nghiệm nhanh COVID-19 đang bắt đầu được tiến hành ở một số điểm nóng như ở Jakarta, tỉnh Tây Java và Banten với 125.000 chỉ dành cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm và nhân viên y tế.
Indonesia nên làm gì?
Về mặt lý thuyết, các biện pháp can thiệp như hạn chế các cuộc tụ họp xã hội, xét nghiệm hàng loạt và cách ly các trường hợp dương tính sẽ làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện tại người dân Indonesia vẫn còn chưa có đủ thông tin về lịch sử di chuyển, tiếp xúc của người nhiễm. Người dân cũng chưa được khuyến cáo đầy đủ về những ổ bệnh để hạn chế đến để tránh lây nhiễm, hay đơn giản về số lượng người được xét nghiệm.
Cho nên ngoài việc xét nghiệm chính phủ nên cung cấp dữ liệu vị trí bệnh nhân nhiễm bệnh từng đến để người dân có thể tự kiểm tra sức khỏe hoặc hạn chế tiếp xúc ở các khu vực này.
Chưa kể, hiện ý thức phòng tránh bệnh và sự tuân thủ quy định cách ly của người dân vẫn còn kém. Chính phủ vẫn chưa đưa ra những biện pháp chế tài nếu người dân chưa tuân thủ cách ly xã hội.
Chính phủ phải nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích cộng đồng giảm thiểu tiếp xúc với nhau, giữ khoảng cách an toàn. Ví dụ như việc hạn chế di chuyển giữa các quận hoặc thành phố có người bị nhiễm bệnh, thực hiện giám sát di cư đối với các cá nhân trở về từ vùng dịch và ban hành luật xử phạt đối với người vi phạm cách ly hay tụ tập đông người.