Đài RT ngày 5-8 đưa tin Phó Trưởng phái đoàn Nga tham dự Hội nghị rà soát Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10 của Liên Hợp Quốc tại New York, ông Andrey Belousov, cho biết những cáo buộc về việc Moscow đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine là "không thể xác minh và vô căn cứ".
Nga giải thích lý do không dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là vì cuộc xung đột này không tương thích nội dung học thuyết hạt nhân của Nga. Ảnh: SPUTNIK |
"Điều đó là không thể vì các hướng dẫn học thuyết của Nga giới hạn nghiêm ngặt các tình huống khẩn cấp trong đó giả định có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, cụ thể là để đối phó với hành động gây hấn liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc để đáp trả các hành động gây hấn liên quan đến vũ khí thông thường mà tại đó sự tồn vong của nhà nước bị đe doạ” - ông Belousov phát biểu.
Quan chức ngoại giao này nhấn mạnh trong số đó, không có giả định nào phù hợp với tình hình ở Ukraine.
Ông Belousov cũng bác bỏ những ám chỉ liên quan tới việc Moscow lệnh đặt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao, giải thích rằng tình trạng “tăng cường cảnh giác” hiện nay, với việc bổ sung các nhân sự trực tại các sở chỉ huy chiến lược là “hoàn toàn khác” với “tình trạng báo động cao đối với các lực lượng hạt nhân chiến lược”.
Ông Belousov cho rằng bất kỳ cảnh báo nào về "nguy cơ chiến tranh hạt nhân” từng được các quan chức Nga lên tiếng trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine đều nhắm đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như một biện pháp ngăn chặn sự tham dự trực tiếp của các nước phương Tây vào cuộc xung đột.
Theo đài RT, mặc dù phái đoàn Nga không đề cập cụ thể những ai đưa ra các cáo buộc nhắm vào Moscow nhưng bài phát biểu của ông Belousov đưa ra chỉ một ngày sau khi phái đoàn Ukraine tham dự hội nghị NPT chỉ trích Moscow là “chủ nghĩa khủng bố hạt nhân” và “công khai đe dọa thế giới bằng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga sử dụng "chiến thuật đe doạ hạt nhân liều lĩnh và nguy hiểm” đối với "những người ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine".
Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington đã sẵn sàng đàm phán một "khuôn khổ mới để kiểm soát vũ khí” với Nga nhằm thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START). Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng không có ai thắng lợi trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ một cuộc chiến tranh như vậy được phép bắt đầu, theo hãng tin Reuters.
Vào tháng 5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko chia sẻ với hãng thông tấn RIA Novosti về các điều kiện mà Moscow sẽ triển khai một cuộc tấn công hạt nhân, bao gồm:
(1) khi kẻ thù của Nga đang sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên lãnh thổ Nga hoặc các đồng minh của Moscow;
(2) nếu Nga có bằng chứng đáng tin cậy về một vụ phóng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ của mình hoặc của các đồng minh Nga;
(3) nếu chính phủ hoặc các căn cứ quân sự quan trọng của Nga bị đối phương tấn công nhằm mục đích làm suy yếu khả năng đáp trả của lực lượng hạt nhân Moscow;
(4) nếu Nga phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu thông qua việc sử dụng vũ khí thông thường.