Mới đây trên một trang mạng xã hội về ô tô có một bài đăng về chiếc xe chạy bằng dầu (Diesel) nhưng chủ xe đã nhầm lẫn đổ xăng vào. Theo thành viên này đăng tải, đây là chiếc xe chạy chưa kịp bảo dưỡng lần đầu, nhưng chủ nhân của chiếc xe đã bị từ chối bảo hành với lý do xe dầu đổ xăng để chạy.
Bài đăng cũng đã nhận được nhiều lượt like, chia sẻ và bình luận. Phía dưới phần bình luận có không ít thành viên tỏ ra tiếc nuối khi động cơ máy còn mới tinh và nhận định chủ xe sẽ phải bỏ ra số tiền lớn để xử lý. Bên cạnh đó, nhiều thành viên cũng đặt vấn đề không hiểu tại sao chủ xe có thể nhầm lẫn xe dầu và xe xăng, vì trên thực tế không mấy ai gặp vấn đề này.
Đây là "trái tim" của chiếc xe chạy dầu nhưng đổ nhầm xăng đang được cư dân mạng xôn xao. Ảnh: MXH |
Trao đổi với PLO, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, khi gặp trường hợp này chủ xe tuyệt đối không được kích nổ, mà phải kéo về garage xúc bình xăng, nếu đổ ít 1-2 lít thì có thể chạy.
“Nếu nổ máy và không chạy, hay chạy chậm và ngắn thì chưa hư, vì dầu áp suất nổ mạnh, có thể làm hư máy”- chuyên gia nói.
Cũng theo ông Đồng, động cơ xăng có tỉ số nén thấp hơn rất nhiều so với động cơ dầu và điểm khác biệt khác là đánh lửa chu kỳ nổ bằng bugi. Do đó, khi xăng bị pha lẫn dầu dẫn đến hư hại. Tuy nhiên, một số trường hợp nếu tỉ lệ dầu quá cao thì hệ bơm nhiên liệu và kim phun nhiên liệu có thể bị nghẹt, khiến động cơ không nổ máy được.
“Ngược lại, máy dầu mà đỗ xăng thì dễ hư hỏng hơn vì kích nổ sai thời điểm. Lúc này, hỗn hợp nhiên liệu bị pha lẫn xăng, dẫn đến thay đổi đặc tính tự kích nổ. Chu kỳ nổ bị mất kiểm soát nên các bộ phận như piston, bạc piston, tay biên, bạc lót trục khuỷu, trục khuỷu, thành xi-lanh, xupap đều bị hư hại. Ngoài ra vì xăng không có đặc tính bôi trơn như dầu nên các chi tiết liên quan đến hệ bơm nhiên liệu cao áp, kim phun nhiên liệu cao áp cũng có thể hư hại. Như vậy, mức độ thiệt hại là khoảng 90% động cơ”- chuyên gia nói thêm.