Đầu tháng 11, ông Pavlo Petrychenko - một chỉ huy máy bay không người lái (UAV) của Lữ đoàn cơ giới số 59 của Ukraine - đăng tải đoạn video cho thấy UAV tấn công và phá hủy 3 ăng-ten trên mái nhà một tòa nhà. Ông Petrychenko nói rằng đó là một hệ thống chiến đấu điện tử Pole-21 của Nga trên mặt trận phía đông gần tỉnh Donetsk.
Điều này cho thấy Ukraine đang tăng tốc để đuổi kịp Nga trên mặt trận tác chiến điện tử. Cuộc tấn công cũng cho thấy Kiev đang tập trung phá hủy công nghệ của Moscow trên chiến trường - dấu hiệu cho thấy công nghệ đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với tương lai cuộc xung đột.
Tác chiến điện tử, hay còn gọi là EW, liên quan việc sử dụng vũ khí hoặc chiến thuật sử dụng quang phổ điện từ. Cả hai bên trong cuộc xung đột đều áp dụng tác chiến điện tử, chủ yếu thông qua các thiết bị gây nhiễu điện tử làm mất tác dụng của hệ thống nhắm mục tiêu dẫn đường bằng GPS, khiến cho tên lửa không đánh trúng mục tiêu.
Nga nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ điện tử
Sau gần 6 tháng cuộc phản công của Ukraine, rõ ràng là Nga không chỉ xây dựng hệ thống phòng thủ vật lý mà cả hệ thống phòng thủ điện tử đáng gờm. Do đó, lực lượng Ukraine ở tiền tuyến đang phải thích nghi với điều đó một cách nhanh chóng.
Ông Petrychenko nói rằng việc phá hủy thành công các hệ thống trên là rất quan trọng nếu Ukraine muốn giành lại lãnh thổ từ Nga. Ông Petrychenko cho biết vào thời gian đầu của cuộc xung đột, Nga đã sử dụng tác chiến điện tử để can thiệp vào hoạt động liên lạc, bộ đàm, liên lạc vô tuyến, điện thoại và UAV của Ukraine.
“Nhưng khi chúng tôi bắt đầu nhận thiết bị nước ngoài, họ bắt đầu sử dụng những hệ thống trên để đối phó vũ khí của chúng tôi. Vì hệ thống pháo phản lực phóng loạt (HIMARS) và đạn pháo dẫn đường chính xác Excalibur 155 mm đều được dẫn đường bởi vệ tinh nên tác chiến điện tử được [Nga] tăng cường sử dụng như một yếu tố phòng thủ chống lại chúng tôi” - ông Petrychenko nói với CNN.
Các thiết bị gây nhiễu của Nga biến lợi thế công nghệ của kho vũ khí “thông minh” do phương Tây cung cấp của Ukraine thành một điểm yếu chết người.
Về bản chất, tên lửa dẫn đường chính xác và hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường như HIMARS dễ bị tác động bởi tác chiến điện tử vì chúng phụ thuộc vào GPS để bắn trúng mục tiêu.
Hệ thống Pole-21, được thiết kế để gây nhiễu tín hiệu GPS nhằm bảo vệ khí tài của Nga khỏi các cuộc tấn công của UAV và tên lửa, là một thiết bị đặc trưng trong kho vũ khí tác chiến điện tử đang phát triển của Moscow.
Gây nhiễu GPS là một kỹ thuật đánh lừa UAV hoặc tên lửa của đối phương một cách hiệu quả, đồng thời làm gián đoạn hoạt động liên lạc của radar, vô tuyến và điện thoại.
Đây đều là một phần kế hoạch của Moscow khi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin phát biểu trong một cuộc họp chính phủ hồi tháng 9 rằng việc sản xuất các loại thiết bị quân sự quan trọng, bao gồm thiết bị điện tử, đã tăng gấp đôi trong 8 tháng đầu năm nay, theo hãng thông tấn TASS.
Các chuyên gia và quan chức Ukraine cũng cho biết Nga hiện đã tích hợp đầy đủ tác chiến điện tử vào quân đội của nước này.
Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine - ông Valerii Zaluzhnyi gần đây nói rằng Nga hiện đang sản xuất hàng loạt cái mà ông gọi là “tác chiến điện tử chiến hào”. Ông Zaluzhnyi cũng nhận định Moscow đang duy trì “ưu thế tác chiến điện tử đáng kể”.
Ông cũng chỉ ra rằng năng lực đạn pháo Excalibur do Mỹ sản xuất hiện "suy giảm đáng kể do hệ thống nhắm mục tiêu [sử dụng GPS] rất nhạy cảm với ảnh hưởng của tác chiến điện tử từ đối phương".
Người phát ngôn Lầu Năm Góc - Thiếu tướng Charlie Dietz cho biết "mặc dù tác động của hoạt động gây nhiễu của Nga được nhìn thấy ở một số hệ thống do Mỹ cung cấp cho Ukraine, bao gồm HIMARS, nhưng điều đó không làm các hệ thống này trở nên kém hiệu quả”.
Ông Dietz cho hay Lầu Năm Góc đang khắc phục những lỗ hổng đó bằng “những nỗ lực đáng kể để tái thiết kế và cập nhật các hệ thống này”. Người phát ngôn Lầu Năm Góc nói thêm rằng các phiên bản cập nhật “đang được triển khai nhanh nhất có thể để chống lại tác động của việc gây nhiễu EW".
Ukraine ra sức đuổi kịp Nga về tác chiến điện tử
Ukraine cho biết nước này đã tăng cường năng lực sản xuất UAV gấp một trăm lần trong năm nay và điều này đã làm thay đổi ít nhiều cục diện trên chiến trường. Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine - ông Mykhailo Fedorov hy vọng sẽ lặp lại thành công đó trên mặt trận tác chiến điện tử.
“Chúng tôi không chỉ mở rộng quy mô sản xuất UAV, chúng tôi còn mở rộng quy mô sản xuất EW và nói chung là thay đổi cách tiếp cận việc áp dụng tác chiến điện tử. Toàn bộ học thuyết về việc sử dụng công nghệ này đang thay đổi về phía chúng tôi” - ông Fedorov nói.
Học thuyết này không chỉ đề cập việc tích hợp tác chiến điện tử như một lớp phòng vệ trên chiến trường mà còn phải thực hiện nó một cách thông minh.
Bộ trưởng Ukraine cảnh báo về tình trạng "quá tải" trên chiến trường, thay vào đó ông bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thiết kế các hệ thống tác chiến điện tử có thể được điều khiển từ xa để chúng chỉ nhắm mục tiêu vào thiết bị của đối phương.
Nguyên nhân là vì khi đưa cùng lúc nhiều thiết bị ra chiến trường, các hệ thống tác chiến điện tử có thể hoạt động chống lại chính bạn, thậm chí là bắn hạ UAV của bạn, theo ông Fedorov.
Báo cáo hồi tháng 11-2022 của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh - một tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh có trụ sở tại London - gọi hiện tượng trên là “tự gây tổn thương điện tử”, tức vô tình tấn công lực lượng của chính mình. Theo báo cáo, đây là vấn đề lớn đối với phía Nga trong những ngày đầu của cuộc xung đột, đến mức Moscow phải thu hẹp lại các nỗ lực EW để tránh phá hoại hoạt động liên lạc của nước này trên chiến trường.
Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là Ukraine phải có được công nghệ lập trình cho UAV để nhắm mục tiêu vào thiết bị tác chiến điện tử của đối phương trên quy mô lớn, theo ông Fedorov. Đây sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trên mặt trận tác chiến điện tử.
Ông Fedorov cho biết Ukraine đang đầu tư vào việc phát triển hệ thống tác chiến điện tử bằng cách khuyến khích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ông vẫn cởi mở về việc Ukraine cần sự giúp đỡ của các đồng minh phương Tây, cả về trang thiết bị lẫn chuyên môn.