Theo GS Ed Kuijper chuyên ngành vi sinh học tại ĐH Leyden, một TP nằm ở miền Tây Hà Lan, “truyền phân” thường là giải pháp duy nhất được chỉ định cho các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn Clostridium difficile (viết tắt là C. difficile), một loại vi khuẩn độc phát triển trong ruột sau một thời gian bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh.
Mỗi năm có khoảng 3.000 ca viêm ruột dạng này tại Hà Lan và có khoảng 5% trong số ca mắc nói trên chuyển thành mạn tính. Trong một số ca nguy cấp, viêm ruột có thể dẫn đến tử vong sau khi bệnh nhân bị tiêu chảy nặng kéo dài, bị viêm đại tràng và đôi khi bị thủng ruột.
Nguồn “phân sạch” (tức phân không có mầm bệnh) trở nên thiếu và việc thành lập một “ngân hàng phân” là cần thiết để giải quyết nguồn cung. Ngân hàng này được đặt tại ĐH Leyden, sẽ đảm trách việc tiếp nhận, xử lý, bảo quản và phân phối nguồn phân dự trữ cho các bệnh viện trên khắp đất nước.
Để có thể hiến phân, người cho phải đang trong tình trạng sức khỏe tốt, không quá mập, không quá gầy và được xét nghiệm với kết quả là đang có hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Việc hiến phân không được trả tiền, tên người cho được bảo mật và quá trình giao-nhận phân được thực hiện ngay tại nhà người cho. Sau đó vật phẩm sẽ được chuyển đến ngân hàng lưu trữ, được xử lý thành “thành phẩm” và được trữ đông.
GS Ed Kuijper kết luận: “Việc hiến phân vẫn chưa thể phổ biến trong cộng đồng như hiến máu nhưng tôi nghĩ rằng dần dần mọi người sẽ quen với chuyện trên vì đây là nghĩa cử nhân đạo giúp những bệnh nhân mắc phải căn bệnh khó chữa này”.