Ngân sách như bầu sữa, ai cũng xin

Ngân sách có hạn nhưng địa phương nào cũng xin dự án khiến nguồn vốn không tập trung. Có thực trạng coi ngân sách như bầu sữa, chi sai mục đích, chi để phục vụ “bệnh” thành tích… Nhiều đại biểu (ĐB) chỉ ra trong phiên thảo luận về dự toán, kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn ngày 29-10 như trên.

Hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng

Hiệu quả đầu tư công là vấn đề khiến nhiều ĐB Quốc hội (QH) lo lắng. ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định: Đầu tư kém hiệu quả là vấn đề tồn tại dai dẳng trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Việc phải tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn còn rất thấp. Trên thực tế vẫn còn nhiều dự án chưa có tính cấp thiết hay có giá trị sử dụng không cao như tượng đài hay quảng trường vẫn đang được xây dựng.

Theo ông Lộc, việc bỏ nguồn vốn đầu tư dàn trải theo kiểu “bình quân chủ nghĩa” ở mỗi địa phương, mỗi bộ, ngành chứ không căn cứ trên cơ sở hiệu quả tổng thể của nền kinh tế đã dẫn đến tình trạng manh mún trong đầu tư, nhiều dự án bị đội vốn, chất lượng không đảm bảo… “Đây là sự lãng phí lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội trong dài hạn nhưng chưa được tổng kết, quy đổi ra những tác động tiêu cực đến GDP” - ông Lộc nêu.

Cùng nội dung này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng cho rằng chính việc đầu tư “cào bằng, dàn trải” đã khiến Việt Nam không tập trung vốn cho những dự án lớn, có hiệu quả kinh tế-xã hội cao. “Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỉ đồng, tương đương với số vốn này là 9.620 dự án cần đầu tư. Hiện nay số lượng các dự án dở dang thiếu vốn là rất lớn, đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều địa phương” - ĐB Mai nói.

Theo bà Mai, mong muốn của các địa phương có một dự án là chính đáng nhưng trong bối cảnh khó khăn, nợ công còn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng thì bắt buộc phải có sự lựa chọn, tránh đầu tư dàn trải. Vì vậy trong phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương cần ưu tiên các dự án mang tính cấp thiết, phù hợp, các dự án có tính liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh… “Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực, ngành mà các thành phần kinh tế khác không muốn đầu tư, không thể đầu tư hay không được phép đầu tư…” - bà kiến nghị.

Còn ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng cần rà soát lại danh mục dự án đầu tư để chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải trong khi nguồn ngân sách có hạn. ĐB này cũng đề nghị đẩy nhanh các dự án đã được phê duyệt theo kế hoạch, nếu để chậm sẽ dẫn tới đội vốn, lãng phí như một số dự án đã được QH bố trí vốn: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; một số đoạn, tuyến trên đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt vấn đề vì sao bất cập trong chi tiêu công  chậm khắc phục, tiếp tục duy trì ở mức cao. Ảnh: V.LONG

Ngân sách bị coi như bầu sữa

“Tại sao những bất cập trong chi tiêu công đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng chậm khắc phục và vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao? Đây là một trong những nguyên nhân gây thâm hụt ngân sách nhà nước” - ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi và cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sử dụng ngân sách lãng phí.

Đang xử lý hệ quả từ nhiệm kỳ trước

Trước khi thực hiện Luật Đầu tư công có việc đầu tư phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư các dự án hết sức tùy tiện. Quyết định đầu tư nhưng không biết có tiền hay không, cứ quyết rồi sau đó mới tạo áp lực đi xin vốn, không xin được vốn thì xin ứng trước rồi kéo dài, rồi nợ đọng… Giai đoạn 2016-2020 phải tập trung xử lý những hệ lụy này.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 khởi công thực hiện 21.000 dự án nhưng trong kế hoạch 2016-2020 giảm chỉ còn 9.620 dự án (giảm hơn nửa).

Trong 9.620 dự án của giai đoạn 2016-2020 đó, có hơn 8.000 dự án là của giai đoạn 2011-2015 chuyển tiếp. Tất cả dự án khởi công mới từ ngân sách trung ương chỉ còn 412 dự án với số vốn hạn hẹp. 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG

“Lãng phí do tư duy coi ngân sách là bầu sữa. Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ “bệnh” thành tích hoặc bệnh hình thức như tổ chức rất nhiều sự kiện, những lễ kỷ niệm, lễ đón nhận danh hiệu hoành tráng, rầm rộ, thăm hỏi rình rang và xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh” - ĐB Hoa nêu.

Theo bà Hoa, hiện nay việc đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách đang có vấn đề, chủ yếu đánh giá dựa trên tỉ lệ giải ngân và khi cần tiết kiệm thì cắt giảm hoạt động một cách cơ học. Trong khi lẽ ra hiệu quả đầu tư phải được đánh giá qua sản phẩm thu được từ tiền ngân sách như thế nào. Từ đó, ĐB này đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong quản lý ngân sách và đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, khoán chi.

Còn ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng báo cáo Chính phủ chưa nêu được cụ thể đầu tư công thời gian qua bao nhiêu đầu tư có hiệu quả, bao nhiêu đầu tư thua lỗ, bao nhiêu dự án cần được xem xét, kiến nghị, điều tra, xem xét và truy tố. Nguyên nhân, giải pháp xử lý, tỉnh nào, doanh nghiệp nào tốt và doanh nghiệp nào chưa tốt. Có như thế mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm, làm bài học cho tổ chức quản lý và hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn như thời gian qua.

“Cụ thể, đầu nhiệm kỳ có nêu năm dự án. Tôi có chất vấn là giải pháp xử lý như thế nào; có dự án nữa không. Sau đó có đưa ra 12 dự án. Gần đây, theo đánh giá của Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10-2017, Việt Nam thuộc nước nợ công cao… Cán cân tài chính đang đối mặt với rất nhiều rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là hậu quả của đầu tư công không hiệu quả, kỷ luật ngân sách yếu, phân cấp ngân sách không hiệu quả. Tháng 10-2017, Bộ KH&ĐT đã công bố tình trạng đầu tư không hiệu quả trước nhiệm kỳ này không phải là 12 dự án mà là 72 dự án. Gây thất thoát 42.000 tỉ đồng, làm tăng gánh nặng trong ngân sách, nhiều dự án dang dở, chậm tiến độ. Mức tăng đầu tư gây lãng phí” - ĐB Phương nói.

“Nhiều dự án BT thành giao dịch ngầm”

Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), việc sử dụng ngân sách, tài sản công và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Dự án đầu tư theo hình thức BT đang có khoảng trống pháp lý trong vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố gần đây có đến 90% dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu dù pháp luật có quy định có cả hình thức đấu thầu công khai. Bên cạnh đó, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc.

Không ít dự án BT đang bị biến tướng thành cuộc giao dịch ngầm theo cơ chế xin-cho giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, gây thất thoát nguồn đầu tư công và tài sản công rất lớn.

Qua kiểm toán 30 dự án BT từ trước đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỉ đồng, trong đó có dự án tỉ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Nhiều dự án giao cho nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến không đảm bảo tính khách quan.

Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án.

Điều này cho thấy việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách. Vậy có nên tiếp tục thực hiện các dự án BT như thời gian vừa qua nữa hay không. Phải chăng phải có thể chế mới để siết lại kẽ hở trong quản lý. Đề nghị Chính phủ cân nhắc và báo cáo QH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm