Có 48% người Việt trả lời họ có ăn bên ngoài và mua đồ ăn từ những hàng quán. 16% người Việt trả lời họ ăn bên ngoài thường xuyên là một lần/ngày hoặc hơn một lần/ngày. Trong khi đó đối với bữa ăn sáng có 56% người tiêu dùng Việt Nam chọn các giải pháp bữa ăn nhanh bên ngoài thay vì ăn ở nhà.
Đây là thông tin từ báo cáo Sự tiện lợi mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen.
Với tỷ lệ người Việt chọn ăn sáng bên ngoài là cơ hội cho ngành thức ăn nhanh? Đại diện Nilesen cho biết đây là cơ hội cho các DN cung cấp các giải pháp bữa ăn nhanh, chế biến sẵn rất lớn. Vì chi tiêu hộ gia đình tăng, kích thước hộ gia đình nhỏ lại, người tiêu dùng đang ưu tiên chi tiêu cho các hoạt động giải trí nhiều hơn.
Thêm vào đó, ở các thành phố lớn, nhu cầu cho sự tiện lợi nhằm giúp cuộc sống bận rộn được dễ dàng hơn ngày càng tăng.
Những món ăn sẵn được "bày bán" trên foody mang đến sự tiện lợi cho người dùng.
Nghiên cứu này cũng cho hay người tiêu dùng trên toàn thế giới đang có nhu cầu khẩn thiết về các giải pháp tiện lợi để giúp đơn giản hóa cuộc sống của họ. Khả năng kết nối ngày càng tăng đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Theo Nielsen, từ nhu cầu về sự tiện lợi đã làm phát sinh một loạt sản phẩm đơn giản hóa cuộc sống như các giải pháp bữa ăn chế biến sẵn và những bữa ăn nhanh; các dịch vụ giao hàng tận nhà và các dịch vụ giao hàng “theo yêu cầu”.
Cụ thể có 33% người tiêu dùng toàn cầu sử dụng dịch vụ giao đồ ăn của các nhà cung cấp hoặc nhà hàng. Các bữa ăn nhanh được cung cấp từ các hàng quán, các cửa hàng thức ăn nhanh và các tiệm ăn đang gia tăng khi có 57% người tiêu dùng trên toàn cầu đã đến trong những nơi này trong sáu tháng qua.
Vào bữa trưa và bữa tối có 39% người tiêu dùng toàn cầu chọn ăn bên ngoài hàng tuần. Có 48% người tiêu dùng ở châu Á - Thái Bình Dương cũng chọn tương tự.
Báo cáo của Nilsen còn chỉ ra trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu được thúc đẩy bởi các kênh bán lẻ, thương mại điện tử (TMĐT) và các kênh bán hàng đa kênh. Một nghiên của Nielsen trên 30 quốc gia cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến FMCG đang tăng gấp năm lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng. Đến năm 2020, TMĐT của ngành hàng FMCG toàn cầu sẽ có doanh thu hơn 400 tỷ USD và chiếm 10% -12% tổng FMCG thị phần. Theo Nielsen doanh thu ngành hàng FMCG ở Việt Nam khoảng 14 tỷ USD. Chi tiêu cho sản phẩm FMCG trên kênh TMĐT ở Việt Nam khoảng 0,3% tổng chi tiêu cho ngành hàng FMCG. Có thể nói doanh số bán hàng trực tuyến FMCG tương đối còn nhỏ so với doanh số bán hàng tại các cửa hàng. |