Phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về kinh tế-xã hội ngày 9-6 rất đặc biệt vì đến 18 giờ 30 mới kết thúc. Gần 100 lượt đại biểu (ĐB) đã đăng ký và 58 ĐB đã trực tiếp phát biểu, ba bộ trưởng cùng tổng Thanh tra Chính phủ đã giải trình. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhận định: Phiên thảo luận rất sôi nổi, toàn diện, thẳng thắn.
Bài hát này ai cấp phép mà ca hoài?
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) không dùng hết thời gian bảy phút phát biểu của mình nhưng ông đã đặt ra những câu hỏi day dứt đối với đời sống nông dân. “Hiện trạng nông nghiệp vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Đa số nông dân vẫn chật vật lo toan với nhiều nỗi gian truân. Bài ca “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã quá quen thuộc, được nông dân và ĐBQH hát đi hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù bài ca đó không được ai cấp phép” - ông Cương phát biểu.
Chung nỗi niềm ấy, ĐB Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) nói rằng: Các biện pháp tình thế, giải cứu hàng nông sản lại được đặt ra nhưng chưa thể làm yên lòng bà con nông dân, như những sự việc liên quan tới thịt heo, dưa hấu, chuối.
“Như ở Lâm Đồng, người trồng cà chua cũng có lúc phải bỏ cà chua chín rục trên cây vì giá cả quá thấp. Ngược lại, có một số nông sản khác được giá xong mất mùa do tình trạng sâu bệnh hoành hành và chúng ta không kịp thời giải quyết, khắc phục” - ĐB Việt nêu thực trạng ở tỉnh mình.
ĐB Trần Tuấn Anh (Bình Phước) thì nhận định về việc liên tục xảy ra các tình trạng được mùa mất giá: “Chúng ta hết sức giải cứu dưa hấu, chuối đến giải cứu lợn và gần đây nhất là giải cứu bí đỏ. Để khắc phục tình trạng này, theo tôi nông nghiệp công nghệ cao là một yêu cầu tất yếu mà theo hướng đi này cần có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và phải có vốn”.
ĐB này đề nghị gói tín dụng 100.000 tỉ đồng hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch cần được triển khai nhanh và chặt chẽ.
Còn ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng: Tình trạng được mùa mất giá và sản phẩm ế thừa không tiêu thụ được đã làm cho nông dân gặp nhiều khó khăn. “Đặc biệt giá heo hơi năm nay rớt giá kỷ lục, trong khi đó giá thịt heo trên thị trường lại không giảm, hoặc có giảm nhưng không đáng kể nên người nuôi heo thua lỗ nặng. Cử tri cho rằng sự quản lý can thiệp của Nhà nước trong việc tiết giảm chi phí trung gian và sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán thịt heo trên thị trường còn rất chậm” - ĐB Hoa Ry nhận xét.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, ĐB TP Hà Nội, cũng đề cập đến vấn đề này và dự báo: “Ngoài thịt heo, vải thiều, có thể tới đây sẽ phải giải cứu cả thịt gà”.
Trong phiên thảo luận buổi chiều, nhiều ĐB cũng đề cập đến những khó khăn của nông dân vốn đang chiếm đa số trong thành phần dân số nước ta.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị bỏ biên chế toàn hệ thống, trừ an ninh quốc phòng như hầu hết các nước. Ảnh: QH
Khó trả lời cử tri!
Dù đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng, các ĐB đều bày tỏ lo lắng. Các ý kiến đề nghị Chính phủ phải có những biện pháp căn cơ nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đảm bảo môi trường kinh doanh, tiến hành cổ phần hóa thực sự các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề cập đến tình trạng trì hoãn thời gian, cố tình làm chậm tiến độ cổ phần hóa DNNN và nhận định: Số người nhà nước tham gia quản lý khối tài sản này cũng không nhỏ. Đi cùng với nó là chế độ, quyền lợi, chính sách đối với họ.
“Phải chăng đây chính là lý do cản trở chủ trương lớn giải phóng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển trong tương lai. Cử tri DN luôn đặt câu hỏi với chúng tôi rằng liệu có hay không sự thao túng của nhóm lợi ích trong câu chuyện này” - ĐB Sơn đặt câu hỏi và thừa nhận: “Thật khó có thể trả lời rằng không khi ở đâu đó có hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công thành tài sản tư, làm giàu một cách bất thường vẫn đang diễn ra”.
Thậm chí ĐB Sơn còn cho hay: “Chuyện những lô đất vàng được định giá với giá trị thấp nhưng sau cổ phần hóa được bán ra với giá cao ngất ngưởng mà không thể tìm ra được bất cứ lý do nào dẫn đến sự tác động làm cho đột biến tăng giá như vậy”. Ông Sơn đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để người dân yên tâm.
Nhiều ĐB cũng đồng ý chủ trương cổ phần hóa DNNN sẽ giải phóng nguồn lực để phát triển quốc gia. Bởi hiện nay, dù nắm giữ khối tài sản khổng lồ nhưng các DNNN vẫn chưa thực sự khỏe khoắn.
ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) băn khoăn: “Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN chậm phần nhiều do sự thiếu kiên quyết, có tâm lý chờ đợi cơ quan đại diện vốn nhà nước tại DN. Việc chậm xử lý số dự án thua lỗ lớn cũng làm quá trình cổ phần hóa chững lại”. Ông Hùng đặt vấn đề về sự quyết liệt của các ngành, địa phương chưa cao và đoán định rằng: Có thể là do lợi ích nhóm.
Đặc biệt, ông Hùng đề nghị cần có giải pháp ngay với 12 dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng của ngành công thương và phải xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Cử tri rất bức xúc khi nói về các dự án ngàn tỉ thua lỗ. Đề nghị cho phá sản DN, kiên quyết không dùng tiền thuế của dân bù lỗ cho số DN, dự án thua lỗ này” - ông Hùng nói.
Cuối cùng, ông Hùng cũng đề nghị cần tổng kết đánh giá thực hiện mô hình tập đoàn, tổng công ty vốn được thành lập với kỳ vọng là “xương sống nền kinh tế nhưng thực tế hiệu quả đóng góp thấp”.
Nghe chuyện bổ nhiệm, trưởng Ban Tổ chức Trung ương bật cười ĐB Dương Văn Thống, Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, đã dành hai phút trong bài phát biểu để “phân trần” về tình trạng bổ nhiệm không đúng quy định tại tỉnh mình. “Trong báo cáo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có nêu một số trường hợp ở Yên Bái bổ nhiệm không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Là lãnh đạo địa phương, trước hết tôi xin được tiếp thu cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Yên Bái tiếp tục xem xét, khắc phục, rút kinh nghiệm những sơ suất một số vấn đề không đúng trong bổ nhiệm cán bộ” - ĐB Thống mở đầu. Tuy nhiên, ĐB Thống xin báo cáo QH và cử tri rõ một số vấn đề.
Một là thông tin nhiều cơ quan thuộc UBND tỉnh nhiều cấp phó so với quy định. “Báo cáo QH là Yên Bái hiện có bốn sở thừa cấp phó, trong đó vượt phó giám đốc sở là do sáp nhập nhiều năm nay. Anh em phân công nhau không được, hạ xuống không được. Người Việt Nam chúng ta là thế” - ông Thống giải thích. Cụ thể hơn, ông Thống tiếp tục giải thích: “Một sở do vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, bố trí lại cán bộ. Còn hai sở thì năm 2013, 2014 có đề bạt, bổ nhiệm anh em thừa so với quy định. Tỉnh xin rút kinh nghiệm và xin khắc phục”. Thông tin thứ hai mà ông Thống muốn “phân trần” là lãnh đạo bổ nhiệm người nhà. “Báo cáo QH, cử tri là cơ chế của chúng ta là Đảng lãnh đạo, định hướng, giới thiệu hoặc quyết định. Thì tập thể chúng tôi, Ban Thường vụ quyết định giới thiệu một đồng chí. Các tiêu chí thì có bằng chính quy liên quan đến ngành, rồi công tác 21 năm, năm năm làm phó giám đốc, ba tháng phụ trách ngành” - ông Thống cho hay. Theo quy trình mà ông Thống nêu ra thì: “Đồng chí ký quyết định hành chính, còn Đảng phân công giới thiệu, HĐND bầu, Chính phủ phê duyệt. Đấy là một trường hợp đặc biệt”. Về một số trường hợp cấp phòng bổ nhiệm thiếu tiêu chí, ông Thống cho rằng đó không phải là những tiêu chí cơ bản như học tập, chuyên môn, cao cấp, công tác… “Thanh tra Bộ Nội vụ cũng yêu cầu hoàn thiện lại và chúng tôi cũng làm. Xin báo cáo QH như vậy” - ông Thống kết thúc phần giải thích. Lúc ông Thống đang giải thích, ống kính truyền hình lia đến Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đang ngồi dưới hội trường. Ông Chính bật cười khi nghe ĐB đồng thời là phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái giải thích về hai vấn đề trên. |
6 điều bất an Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước…, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề cập đến “sáu điều bất an”. Bất an 1: Tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị. Chức năng của Chính phủ là kiến tạo nhưng còn hành động và liêm chính tại sao không? Bất an 2: Tham nhũng và lãng phí quá lớn chưa được chặn đứng là vấn nạn đưa quốc gia đến bờ vực của sa sút lòng tin. Tiền của dân chắt chiu, gom góp trong mồ hôi nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động. Bấn an 3: Xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, đặc biệt là nạn chú trọng đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao, nếu theo chỉ số thì mỗi người dân có thể gánh 1.000 USD và xu hướng còn tăng trong những năm tới. Bất an 4: Thương mại hóa các quan hệ xã hội. Đồng tiền chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền. Đáng lo hơn là đồng tiền làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách và đâm thủng cả pháp luật. Minh chứng cho vấn đề này là hiện tượng chạy ở Việt Nam. Thực tế rất đau lòng. Trong lòng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ, chập chững đi đã chạy trường, học phổ thông các cấp và ĐH cũng phải chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; khi tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; vi phạm pháp luật thì chạy được ra; truy tố chạy án, thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết về dẫn độ tội phạm để an tâm. Bất an 5: Dân không thể an tâm khi rừng hết, biển dần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau chắc chỉ còn trong lịch sử. Đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không có, trong khi đó đất nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả. Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư, sự hời hợt, thiếu trách nhiệm trong thẩm định, đánh giá từng bước biến Việt Nam thành điểm đến của công nghệ rác, công nghệ lạc hậu và hệ lụy môi trường không sao tả nổi khi sông đã chết, đất chết và từ từ biển chết. Đừng vì tăng trưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc, tiền có thể nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất. Bất an 6: Bất an về an toàn sống. Bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ về an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì bị vạ lây. Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức mang tính phổ biến trong ứng xử của con người. |
Bỏ biên chế toàn hệ thống? + Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ: Chúng tôi mới đặt vấn đề nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động và trước hết là thí điểm từ khu vực ĐH và một số trường phổ thông có điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm. Chúng tôi cho rằng đối với khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới, vì đây là yếu tố có thể nói là quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có từng bước lộ trình để thực hiện. Năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và năng lực phẩm chất dạy theo phương pháp mới, kiên quyết có thể đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt được yêu cầu mới. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. + ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Tôi nghĩ nếu bỏ biên chế y tế và giáo dục thì nên bỏ biên chế toàn bộ hệ thống, trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đưa tất cả cán bộ, viên chức thành hợp đồng và chế độ an sinh xã hội rõ ràng như hầu hết các nước trên thế giới. Vì nếu lập luận bỏ biên chế sẽ làm cho lĩnh vực y tế, giáo dục tốt hơn thì tại sao giữ biên chế cho các ngành quản lý hành chính, các tổ chức lại tốt cho xã hội. Như vậy mới bỏ được tâm lý chạy được một suất biên chế cho người nhà để được yên ổn suốt đời. |