Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng có những điểm phức tạp trong mối quan hệ Mỹ-Đức, đài RT đưa tin.
Trả lời báo giới ngày 7-6, ông Maas cho rằng Đức có được những lợi ích đáng kể từ việc hợp tác với Mỹ. Trong đó, "sự hợp tác với lực lượng vũ trang Mỹ đã phát triển qua nhiều thập niên" và phục vụ "lợi ích của hai nước".
"Chúng tôi là đối tác gần gũi với nhau trong liên minh xuyên Đại Tây Dương nhưng quan hệ đó cũng phức tạp" - ông Maas nói tiếp.
Về thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút 9.500 quân khỏi Đức, Ngoại trưởng Maas cho rằng "nếu thực sự có việc rút một số binh lính Mỹ, chúng tôi sẽ lưu ý điều này".
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: AFP
Trước đó, một số chính trị gia Đức lên tiếng không hài lòng về quyết định của ông Trump, theo tờ The Guardian.
Ông Johann Wadephul, lãnh đạo cấp cao của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cáo buộc kế hoạch rút quân "thể hiện rằng chính quyền ông Trump đang lãng tránh một nhiệm vụ cơ bản của người lãnh đạo (trong khối NATO - PV) là cho phép các đối tác liên minh tham gia quá trình ra quyết định".
Ông Wadephul cho rằng "Nga và Trung Quốc hưởng lợi từ sự bất hòa này" và cảnh bảo "Mỹ nên chú ý hơn tới điểm này".
Ông Norbert Rottgen - thành viên đảng CDU và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức - cho rằng Mỹ rút quân là điều "đáng hối tiếc dù xem xét từ bất kỳ góc độ nào". Ông Rottgen chỉ trích quyết định như vậy là không "có lý".
Trong khi đó, ông Dietmar Bartsch - lãnh đạo đảng cánh tả Die Linke - cho rằng "chính quyền liên bang (Đức) nên chấp nhận điều này với sự biết ơn và nhanh chóng bắt tay chuẩn bị cho việc chính quyền Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi nước Đức".
Ông Bartsch ủng hộ việc Mỹ rút quân vì việc này sẽ "mang lại lợi ích cho cả hai khi tiết kiệm hàng tỉ Euro của người nộp thuế".
Ba Lan - nước được cho sẽ nhận một phần quân được rút khỏi Đức - hoan nghênh ý tưởng của Tổng thống Mỹ.
Ngày 6-6, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng ông "thực sự hy vọng" và coi việc này "như thành quả của nhiều cuộc đàm phán" giữa Warsaw và Washington.
Ông Morawiecki cũng cho rằng việc tái bố trí quân Mỹ ở Ba Lan là minh chứng cho "sự thống nhất của NATO".