Nguy cơ xung đột bùng nổ khắp Trung Đông

(PLO)- Một loạt diễn biến nóng gần đây ở Trung Đông càng đẩy cao quan ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột toàn khu vực này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các diễn biến gần đây ở Trung Đông đang ngày càng trở nên phức tạp và có hiệu ứng dây chuyền. Tình hình xung đột giữa Israel với hai nhóm vũ trang Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) và Hezbollah (Lebanon), căng thẳng Biển Đỏ, đòn không kích của Iran vào Syria và Iraq, mới đây nhất là các cuộc nã tên lửa vào lãnh thổ của nhau giữa Iran và Pakistan... đã làm dấy lên quan ngại lớn về nguy cơ xung đột bùng nổ khắp Trung Đông.

Loạt diễn biến đáng ngại

Theo đài CNN, ngày 18-1, Pakistan nã tên lửa vào bảy địa điểm bên trong lãnh thổ Iran với lý do tiêu diệt khủng bố. Đòn tấn công này khiến ít nhất bảy người thiệt mạng, trong đó có ba phụ nữ và bốn trẻ em là công dân nước ngoài. Pakistan cho biết họ đã bày tỏ mối quan ngại với Iran về việc các chiến binh ly khai Pakistan (được gọi là Sarmachar) ẩn náu bên trong Iran. Phía Pakistan cho biết đã chia sẻ bằng chứng về sự hiện diện và hoạt động của các chiến binh này cho chính phủ nước láng giềng.

“Chiến dịch của Israel ở Dải Gaza ngày càng kéo dài thì xung đột Trung Đông càng có nguy cơ leo thang, khi các nhóm vũ trang khác nhau trong khu vực cố gắng khẳng định mình” - đài NPR dẫn lời ông Ben Rhodes, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Hãng thông tấn Iran IRNA cho biết các quan chức Iran đang điều tra vụ việc. Vụ tấn công xảy ra chỉ hai ngày sau khi Iran nã tên lửa sang lãnh thổ Pakistan khiến hai trẻ em thiệt mạng.

Ngày 17-1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Mumtaz Zahra Baloch cho biết Islamabad đã triệu tập đại sứ Iran tại Pakistan để phản đối vụ tấn công gây thiệt hại dân sự cho Pakistan. Bà Baloch cũng tuyên bố Islamabad có quyền đáp trả tương xứng, theo hãng tin AFP.

Trước đó không lâu, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 16-1 đã phóng tên lửa đạn đạo vào một “trung tâm gián điệp” của Israel tại TP Erbil (Iraq) và vào một căn cứ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở tỉnh Idlib (Syria). Bộ Ngoại giao Iran mô tả các cuộc tấn công là sự trả thù cho “những tội ác gần đây của các nhóm khủng bố”. Theo Tehran, đòn đánh vào Syria nhằm đáp trả vụ đánh bom của IS gần mộ tướng Iran Qassem Soleimani hai tuần trước khiến hàng trăm người Iran thiệt mạng. Trong khi đó, vụ tấn công ở Iraq là để đáp trả một vụ đánh bom liều chết ở TP Rask (Iran) khiến 11 cảnh sát thiệt mạng mà Tehran cho rằng Israel đứng sau vụ việc.

Căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ cũng khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Những ngày gần đây, Mỹ đã triển khai một số đợt không kích (bao gồm một số cuộc tấn công phối hợp với Anh) nhắm vào các mục tiêu của lực lượng Houthis ở Yemen để đáp trả các cuộc tấn công của nhóm vũ trang này vào tàu thuyền ở Biển Đỏ và biển Ả Rập. Tính đến ngày 17-1, phía Mỹ đã mở bốn đợt không kích vào nhóm Houthis.

Xung đột Trung Đông
Lực lượng Israel ở TP Tulkarem (Bờ Tây) ngày 17-1. Ảnh: AFP

Xung đột Israel - Hamas hiện vẫn rất ác liệt khi hai bên không ai nhường ai, khiến số người Palestine ở Gaza thiệt mạng lên tới 24.448 người, cùng với ít nhất 61.500 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát. Phía Israel tuyên bố kiên quyết triệt tiêu Hamas, vì cho rằng nếu nhóm này còn tồn tại thì Israel sẽ không bao giờ được yên ổn.

Bất hòa giữa Israel và Hezbollah cũng là mối lo ngại lớn ở Trung Đông. Hai bên gần đây liên tục tấn công lẫn nhau. Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 14-1 tuyên bố nhóm này sẽ tiếp tục đối đầu với lực lượng Israel ở biên giới Lebanon - Israel cho đến khi cuộc tấn công của Israel ở Gaza kết thúc.

Tương lai mờ mịt

Gần đây, quan chức nhiều nước luôn nhấn mạnh mối lo xung đột ngày càng leo thang và lan rộng ở Trung Đông. Ngày 17-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo tình hình xung đột tại Dải Gaza có thể lan rộng và đe dọa đến an ninh ở toàn bộ khu vực Trung Đông. Trước đó, ông Blinken cũng đưa ra cảnh báo tương tự khi vùng biên giới giữa Israel và Lebanon xuất hiện tình trạng bạo lực. “Về vấn đề này, tôi muốn nói rằng Washington sẽ làm mọi thứ để đảm bảo xung đột không leo thang cũng như vượt ra khỏi Gaza” - ông Blinken nói, theo hãng tin AFP.

Cuối năm ngoái, Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Trung Đông - ông Trác Tuyển cũng đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột ở Trung Đông đang gia tăng và có khả năng lan rộng dọc các biên giới láng giềng Israel, đặc biệt là biên giới Israel - Lebanon. Theo ông Trác Tuyển, Trung Quốc đánh giá tình hình ở Gaza là “rất nghiêm trọng”, theo đài CCTV. Ông Trác Tuyển khuyến nghị cộng đồng quốc tế “hết sức cảnh giác về vấn đề này” và ngay lập tức kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế, tránh gây thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.

Chuyên gia Mona Yacoubian, Phó Chủ tịch Trung tâm Trung Đông và Bắc Phi thuộc Viện Hòa bình Mỹ, nhận định rằng “chúng ta đang ở thời điểm rất nguy hiểm ở Trung Đông”. “Thật không may, tôi nghĩ rằng tình trạng căng thẳng gia tăng tại điểm nóng này hiện đã đẩy khu vực vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn mà nhiều người lo sợ có thể xảy ra” - bà Yacoubian nói.

Liên hợp quốc cũng lên tiếng về vấn đề này, khi kêu gọi tất cả thành viên của cộng đồng quốc tế làm mọi thứ trong khả năng nhằm ngăn chặn tình hình leo thang ở Trung Đông, theo ông Khaled Khiari, trợ lý tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách Trung Đông. Phát biểu tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở TP Davos (Thụy Sĩ) ngày 17-1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý những gì đang diễn ra ở Gaza, Biển Đỏ và nhấn mạnh chỉ có lệnh ngừng bắn mới có thể ngăn được khủng hoảng leo thang ở Trung Đông. Ông Guterres cũng cho rằng giải pháp hai nhà nước “là giải pháp trọng tâm để giải quyết xung đột ở Gaza”.•

Thương mại toàn cầu 2024 kém lạc quan hơn do căng thẳng ở Biển Đỏ

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2024, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nói rằng thương mại toàn cầu năm 2024 kém lạc quan hơn do tác động của căng thẳng tại Biển Đỏ gần đây.

Theo bà Ngozi Okonjo-Iweala, tình trạng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, các căng thẳng địa chính trị diễn biến xấu đi, tình hình gián đoạn mới phát sinh ở Biển Đỏ, kênh đào Suez, kênh đào Panama khiến bức tranh thương mại toàn cầu năm nay kém lạc quan hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm