F-16V là phiên bản nâng cấp của F-16A/B do Mỹ sản xuất và đây là vụ tai nạn thứ 10 kể từ khi lực lượng phòng không Đài Loan tiếp nhận 150 chiếc phiên bản đầu tiên vào năm 1997. Hiện Đài Loan đã cho hạ cánh toàn bộ phi đội để kiểm tra.
Báo South China Morning Post dẫn ý kiến một số nhà phân tích về lý do chiếc F-16V bị rơi. Vụ tai nạn là sự cố thứ sáu trong hai năm qua và theo các nhà phân tích, điều này có thể phản ánh các vấn đề mang tính hệ thống của lực lượng phòng không Đài Loan: Chuyện đào tạo phi công và sự mệt mỏi của các phi công do phải phản ứng liên tục với các cuộc xuất kích áp sát lặp đi lặp lại của không quân Trung Quốc.
Theo ông Andrei Chang, Tổng biên tập tờ Kanwa Defense, chiếc F-16V hoạt động từ tháng 11, được trang bị vũ khí và hệ thống điều khiển bay mới nhưng chương trình và tiêu chuẩn đào tạo phi công của Đài Loan có thể không theo kịp.
Ông nhận định: “Các nội dung nâng cấp cho F-16V rất tiên tiến, có nghĩa máy bay này không phù hợp với các cuộc huấn luyện cơ bản như tập trận mô phỏng không đối đất”, như cuộc diễn tập mà phi công Chen tham gia. Thêm nữa, diễn tập mô phỏng một cuộc tấn công không đối đất ném bom bổ nhào tốc độ cao là một nội dung huấn luyện có tính thử thách với các phi công ít kinh nghiệm.
Ông Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan, nói rằng trước đây phi công lực lượng phòng không Đài Loan sẽ không tham gia cuộc diễn tập như vậy cho đến khi họ có hơn 100 giờ bay trên chiếc máy bay mà họ sẽ điều khiển trong cuộc diễn tập. Phi công Chen có hơn 300 giờ bay, trong đó có 60 giờ bay trên chiếc F-16V.
Nhân viên cứu hộ tìm thấy mảnh vỡ của chiếc F-16V ngày 12-1. Ảnh: CNA
Ông cho biết loại máy bay được dùng để đào tạo các học viên phi công là các máy bay thế hệ cũ như F-5E vốn có hệ thống điều khiển bay rất khác với F-16V tiên tiến và các phi công trẻ cần được đào tạo thêm.
Điều tra ban đầu cho thấy phi công Chen bật phím loa trong suốt chuyến bay, vô tình khiến việc liên lạc của anh với chỉ huy trên không bị chặn. Một số nhà quan sát quân sự và cựu binh không quân cho rằng anh Chen đã nhầm nút này là phím giảm tốc độ.
Bên cạnh đó, theo ông Ben Ho, nhà nghiên cứu sức mạnh không quân từ chương trình nghiên cứu quân sự tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam (Singapore), tần suất ngày càng tăng các “chuyến bay bao vây” của không quân Trung Quốc xung quanh Đài Loan trong năm qua (hơn 950 chuyến so với 380 chuyến trong năm 2020) có thể khiến các phi công hòn đảo kiệt sức vì phải liên tục phản ứng.