Đối với cầu Mỹ Thuận 2, ông Thể cho biết hiện nay Quốc hội và Chính phủ đã bố trí 5.100 tỉ đồng để triển khai dự án này. “Chúng tôi phối hợp với tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long để tiến hành công tác giải phóng mặt bằng đường vào cầu Mỹ Thuận 2. Theo dự kiến, trong tháng 11 và 12 năm nay, Bộ GTVT sẽ khởi công bốn gói thầu ở hai bên dốc cầu phía Tiền Giang và Vĩnh Long” - Bộ trưởng Thể thông tin.
Còn dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, theo ông Thể đây là đoạn thuộc tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, là tuyến giao thông quan trọng kết nối trung tâm kinh tế các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM. Việc sớm triển khai dự án rất cấp thiết, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong khu vực. Dự án có chiều dài 23,6 km, tổng mức đầu tư khoảng 5.100 tỉ đồng.
Ông Thể còn cho hay Thủ tướng đã trao văn bản đồng ý bố trí 932 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án trên. Với văn bản này, các cơ quan của Bộ GTVT đang phê duyệt dự án đầu tư. Đồng thời, Bộ GTVT hoàn thành hồ sơ mời thầu và sẽ mời sơ tuyển đấu thầu trong nước vào tháng 11 tới.
Bộ trưởng Thể cũng cho biết ngoài hai dự án trên còn có bốn dự án mà Bộ GTVT đang khởi công và hoàn thành trong năm 2020. Đó là tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua bốn tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với tổng kinh phí 850 tỉ đồng; quốc lộ 30 đoạn từ TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến thị xã Hồng Ngự 800 tỉ đồng; quốc lộ 53 (Trà Vinh) đã bố trí 800 tỉ đồng; quốc lộ 57 (nối Vĩnh Long - Bến Tre).
Ông Thể chia sẻ: Đây là những dự án phải khởi công trong năm nay để hoàn thành vào năm tới. Tất cả bốn dự án này tổng kinh phí khoảng 3.200 tỉ đồng. “Trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng được Chính phủ bổ sung vốn thì chúng tôi rất mong các địa phương tập trung hỗ trợ cùng Bộ GTVT thực hiện” - ông Thể nói.
Bộ GTVT cũng mong muốn sớm thực hiện dự án quốc lộ 30 đoạn An Hữu nối với TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) với tổng kinh phí khoảng 5.000 tỉ đồng. Tuyến này làm xong thì sẽ có một tuyến cao tốc liền mạch từ TP.HCM về tới TP Rạch Giá.
Bộ trưởng Thể cũng cho biết hiện nay Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch năm 2021-2025 với chủ trương là lắng nghe ý kiến các tỉnh, thành ở ĐBSCL. Bộ GTVT cũng đã gửi văn bản cho 13 tỉnh ĐBSCL và đề nghị các tỉnh phản hồi về nhu cầu phát triển giao thông để Bộ GTVT tổng hợp, xem xét, lựa chọn những danh mục quan trọng nhất đưa vào nhiệm kỳ trung hạn năm 2021-2025.