Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT cho biết từ đêm 28-4 đến sáng 29-4, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây ra nhiều thiệt hại.
Theo đó, hơn 1.600 ngôi nhà đã bị hỏng mái, tốc mái với 127 ở Cao Bằng, 122 ở Lào Cai, 253 ở Yên Bái, 243 ở Phú Thọ, 113 ở Điện Biên, 192 ở Tuyên Quang, và 585 ở Thái Nguyên.
Mưa đá, giông lốc cũng làm thiệt hại 2.538ha lúa và hoa màu của các tỉnh này, làm 1.340 con gia cầm bị chết. Một số cơ sở hạ tầng khác cũng hư hỏng, gồm 11 trường học, 40 cột điện...
Theo cơ quan quản lý về phòng, chống thiên tai, ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên những hộ gia đình bị thiệt hại; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.
Các hình thái thời tiết cực đoan ấy gắn liền với đợt không khí lạnh yếu cuối mùa từ phía Bắc xuống, kết hợp gió hội tụ trên cao các ngày 28 đến 30-4, thường xảy ra ở thời điểm chuyển từ cuối xuân sang đầu hè.
Như Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia đã nhận định, với diễn biến thời tiết này, các tỉnh Bắc bộ, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh có khả năng xảy ra đợt mưa rào, giông trên diện rộng, có nơi mưa vừa mưa to và giông mạnh, có nguy cơ xảy ra lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh.
Kết thúc đợt không khí lạnh cuối mùa này, kể từ ngày 1-5 trở đi, toàn miền Bắc sẽ tạnh ráo, ít mưa. Khu vực Tây Bắc bộ, vùng núi Bắc bộ và Trung Trung bộ có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ đầu hè.