Ngày 19-10, Đoàn khảo sát do Sở Du lịch TP.HCM cùng phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp khảo sát điểm đến, sản phẩm du lịch tại tỉnh Đồng Tháp nằm trong khuôn khổ chương trình đánh giá điểm đến, sản phẩm du lịch liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Khởi đầu hành trình, đoàn trải nghiệm tour "Bình minh Tràm Chim" tại vườn quốc gia Tràm Chim, tiếp đến tham quan đường sách TP Cao Lãnh, làng nghề dệt chiếu truyền thống tại làng chiếu Định Yên và tham quan làng hoa Sa Đéc.
Về việc phát triển du lịch của địa phương, ông Lê Quang Biểu, Phó Giám đốc VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp cho hay, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cấp lễ hội văn hóa để phục vụ du lịch. Từ nay đến cuối năm tỉnh triển khai nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.
Điển hình, mới đây UBND huyện Lấp Vò đã tổ chức đêm diễn tái hiện Chợ chiếu Định Yên với sự dàn dựng và biểu diễn của 150 diễn viên. Hay dự kiến vào tháng 12-2023, lần đầu tiên lễ hội hoa Sa Đéc được nâng tầm trở thành Festival hoa Sa Đéc.
Ông Phan Đông Nhựt, đại diện Sở Du lịch TP.HCM, cho biết Đồng Tháp có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển đầu tư như khách sạn 3 sao hỗ trợ 40 triệu đồng/phòng, tối đa hỗ trợ 4 tỉ đồng; khách sạn 4 sao trở lên hỗ trợ 50 triệu đồng/phòng, tối đa 5 tỉ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp khuyến khích xây cầu, tàu, bến bãi phục vụ du lịch, có thẩm định của Sở GTVT, nhà đầu tư được hỗ trợ 2 tỉ đồng. Nếu mua phương tiện thì hỗ trợ 5% giá trị của phương tiện. Đối với đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP được 200 đến 300 triệu đồng.
Theo ông Nhựt, đây là lúc ngành du lịch nên đi sâu và không đi rộng bởi hiện nay du khách ưu tiên trải nghiệm sâu hơn chứ không check-in đơn thuần nữa. Các địa phương cần gia cố điểm đến, gia cố sản phẩm, gia cố hoạt động bổ trợ để du khách chi tiêu nhiều hơn tại địa phương.
Ông Nhựt còn đặt vấn đề: Chương trình liên kết giữa các địa phương chưa có sự cộng hưởng, hiện các địa phương đang làm theo cách độc lập.
"Chúng ta nên ngồi lại với nhau giải quyết bài toán tạo liên kết tạo sân chơi chung giữa các địa phương. Doanh nghiệp ở các điểm đến chính điển hình như ở TP.HCM cũng cần sự cộng hưởng, tương tác để trao đổi khách giữa hai chiều. TP.HCM đang nỗ lực tìm cách kéo ngược khách các tỉnh, thành về TP.HCM"- ông Nhựt.